Bác sĩ đón giao thừa cùng bệnh nhân

“Hơn 20 năm trong nghề, tôi đã trực bệnh viện (BV) trong thời khắc giao thừa không biết bao nhiêu lần. Năm ngoái (2017), tôi trực. Tết năm nay (2018), ca trực của tôi cũng rơi vào đêm giao thừa” - vừa xem tấm phim X-quang của một bệnh nhân gãy chân, BS Nguyễn Vạn Chưởng, Trưởng khoa Khám BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, nói.

Khi ấy đồng hồ trên tường chỉ 22 giờ 30 ngày 15-2, tức 30 Tết.

Không khí giao thừa ập vô bệnh viện

“Theo tập tục, ai cũng muốn sum họp cùng gia đình ngay đêm giao thừa. Đây có lẽ là thời khắc thiêng liêng trong năm của mỗi người. Thế nhưng không ít trường hợp do bệnh nặng hoặc tai nạn buộc phải vào BV cấp cứu. Khi ấy bệnh nhân rất cần được bác sĩ (BS) và điều dưỡng điều trị chu đáo, ân cần” - BS Chưởng chia sẻ.

BS Chưởng nói đã chọn công việc của một BS hoặc điều dưỡng thì trách nhiệm đối với bệnh nhân đặt lên hàng đầu, nhất là trong những ngày Tết. Lúc đó, gia đình đành tạm gác qua một bên. BS Chưởng kể theo thông lệ, đúng thời khắc giao thừa, cả nhà mình sẽ quỳ lạy bàn thờ gia tiên. Sau đó vợ chồng BS Chưởng lì xì con cái, tiếp theo con cái mừng tuổi lại. Không khí gia đình thật ấm êm, hạnh phúc.

“Năm nay vợ và con cái hơi buồn khi biết tôi trực đúng đêm giao thừa. Tuy nhiên, khi hết ca trực, sáng mùng 1 Tết, gia đình tôi lại sum họp và cùng ngồi bên mâm cơm đầu năm” - BS Chưởng tự an ủi mình.

Chúng tôi hỏi về kỷ niệm khó quên trong những lần trực đêm giao thừa, BS Chưởng kể trong lần trực đúng đêm giao thừa cách đây mấy năm, một ông được đưa tới BV trong tình trạng bàn tay phải gần đứt lìa do lưỡi cưa cắt. Người nhà cho biết ông này làm trong xưởng gỗ, vì muốn có ít tiền phụ gia đình trong ngày Tết nên cố làm thêm công việc chủ giao. Do sơ ý tai nạn đã xảy ra.

“Khi đó chỉ còn hơn một tiếng là đúng giờ giao thừa. Tôi và các BS quyết định phẫu thuật nối bàn tay cho nạn nhân. Khi tiếng bắn pháo hoa đì đùng vọng tới cũng là lúc ca phẫu thuật kết thúc. Biết được bàn tay phải sẽ phục hồi tốt, cả nạn nhân và gia đình mừng rối rít. Tôi, các đồng nghiệp và người nhà nạn nhân bắt tay chúc mừng năm mới. Lúc ấy không khí giao thừa đã ùa vào BV”.

BS Nguyễn Vạn Chưởng đang xem phim chụp chân gãy của một bệnh nhân vào đêm 30 Tết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Những câu chúc Tết chân tình

Chúng tôi có mặt tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) khi chỉ còn độ 30 phút là đến thời khắc năm cũ chuyển qua năm mới. Trực cấp cứu đêm giao thừa gồm bốn BS. Trong đó, hai BS Lê Thị Minh Thi (28 tuổi, quê Phú Yên) và Nguyễn Trần Mai Thảo (26 tuổi, quê Đà Nẵng) trực lần đầu tiên.

“Tôi mới về khoa Cấp cứu BV này được sáu tháng và đây cũng là lần trực đêm giao thừa đầu tiên. Trước đây, khi chưa làm ở khoa Cấp cứu, giao thừa nào tôi cũng có mặt cùng gia đình. Lúc đó cả nhà quây quần bên nồi bánh tét sôi sùng sục, ấm cúng làm sao. Khi đồng hồ gõ đúng 12 tiếng, má tôi vớt bánh tét rồi đặt lên bàn thờ gia tiên cúng ông bà. Hình ảnh thân thương này tôi không thể quên” - BS Thi nói.

BS Thi bộc bạch vì công việc, vì trách nhiệm của thầy thuốc nên chị và các đồng nghiệp phải đặt chuyện gia đình qua một bên để toàn tâm điều trị những bệnh nhân cấp cứu. “Nhiều người đón giao thừa cùng gia đình, còn chúng tôi đón giao thừa cùng bệnh nhân” - BS Thi cười.

Cùng tâm trạng, BS Thảo chia sẻ thêm: “Bạn trai tôi cùng quê, lúc đầu cả hai định về chung cho vui. Tuy nhiên, khi tôi có tên trong danh sách trực đêm giao thừa, tôi bảo bạn trai về trước để kịp gửi quà cho hai gia đình. Lần đầu xa gia đình trong thời khắc giao thừa, tôi nhớ nhà và bồn chồn làm sao”.

“Nghe tin tôi trực đêm giao thừa, ba má hơi buồn. Nhưng khi biết công việc tôi làm, ba má động viên và an ủi. Ba má còn nói sẽ để dành cho tôi nồi thịt kho tàu và hũ dưa cải, những món ăn tôi thích nhất. Đúng giờ giao thừa, tôi sẽ gọi điện thoại chúc Tết ba má và anh chị em trong nhà nếu khi đó tôi không bận chăm sóc bệnh nhân” - BS Thảo tâm sự.

Chỉ còn năm phút là giao thừa, cửa khoa Cấp cứu bật mở. Bệnh nhân nữ độ 46 tuổi ôm bụng quằn quại nằm trên băng ca được điều dưỡng đẩy vô. Ngưng cuộc trò chuyện, BS Thi đi nhanh về phía bệnh nhân. Sau khi khám, BS Thi phát hiện bệnh nhân đau dữ dội vùng rốn và vùng bụng phía phải. BS Thi chẩn đoán bệnh nhân bị đau ruột thừa và cần phẫu thuật gấp. Nhanh chóng bệnh nhân được lập hồ sơ nhập viện. “Cô yên tâm, sau khi phẫu thuật cô sẽ khỏe. Năm mới cháu chúc cô bình an và gặp nhiều may mắn” - BS Thi nói.

Mặc dù đau đớn, bệnh nhân vẫn nở nụ cười và nói: “Cám ơn BS, chúc BS luôn mạnh khỏe để điều trị những người bệnh như tôi!”.

Những câu chúc đầu xuân hết sức chân tình giữa BS và bệnh nhân khi giao thừa vừa đến khiến không khí trong BV thêm ấm cúng.

Lần đầu xa nhà trong đêm giao thừa do phải trực cấp cứu, tôi mới cảm nhận được sự thiếu thốn hơi ấm gia đình. Bù lại tôi rất vui và hạnh phúc khi mang lại sức khỏe và cả cuộc sống cho bệnh nhân.

BS NGUYỄN TRẦN MAI THẢOkhoa Cấp cứu
BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm