Bắc Giang lập Ban Chỉ huy tiền phương chống COVID-19

UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ban chủ huy gồm tám thành viên, do ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực.

Bắc Giang lập Ban chỉ huy tiền phương chống COVID-19

Theo quyết định thành lập, Ban chỉ huy có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Việt Yên và các KCN tại huyện Việt Yên, Yên Dũng.

Ban Chỉ huy làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trụ sở đặt tại Ban Quản lý các KCN tỉnh. Kinh phí hoạt động do Sở Y tế đảm nhiệm và được bố trí trong dự toán ngân sách phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến nay, Bắc Giang là địa phương có số ca nhiễm nhiều và tăng nhanh nhất trong đợt dịch thứ tư.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bắc Giang hiện có ba ổ dịch. Trong đó, ổ dịch tại xã Phương Sơn (huyện Lục Nam) đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát.

Ổ dịch thứ 2 tại Công ty Shin Young (KCN Vân Trung) với số ca nhiễm chủ yếu là các trường hợp đã được cách ly ngay sau khi có ca F0.

Ổ dịch thứ 3 tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) với số F0 liên tục tăng nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá tình hình dịch ở Bắc Giang đang rất phức tạp, khó lường và còn nguy cơ lây lan cao. Đặc biệt, cơ sở y tế tại Bắc Giang số giường bệnh ít nên gánh nặng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân còn rất lớn.

Đối với xét nghiệm, tuy nhiều đơn vị vào cuộc nhưng vẫn chưa làm đầy đủ các xét nghiệm, nhất là test nhanh còn thiếu…

Xét nghiệm toàn bộ công nhân, chuyên gia nước ngoài

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân, chuyên gia lao động người nước ngoài tại doanh nghiệp mình theo lịch điều phối của Ban Quản lý các KCN tỉnh; không được để tình trạng khi nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm nhưng không có đầy đủ công nhân, chuyên gia làm ảnh hưởng đến tiến độ lấy mẫu.

Khi có trường hợp F0, F1 phải cách ly tập trung, doanh nghiệp cần phối hợp và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu theo chỉ đạo của Ban Quản lý các KCN; thực hiện bố trí phương tiện để đưa đi cách ly tập trung.

Cử đầu mối để phối hợp với lực lượng Công an, Y tế trong việc truy vết các trường hợp F1, F2, F3; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực về danh sách số lượng, địa chỉ nơi cư trú của toàn bộ công nhân, chuyên gia trong doanh nghiệp mình khi cơ quan chuyên môn có yêu cầu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm