Ba kịch bản đối phó với Ebola

“Do tính chất nguy hiểm, lại lây lan rất nhanh nên dịch bệnh Ebola từ các nước châu Phi có nguy cơ thâm nhập vào Việt Nam rất cao. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên cần chủ động phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh này”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh thông tin trên tại buổi giao ban trực tuyến tăng cường phòng, chống các dịch bệnh được tổ chức vào chiều 6-8.

Cực kỳ nguy hiểm

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Ebola là bệnh nhiễm virus cấp tính nặng được Việt Nam xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bệnh Ebola cực kỳ nguy hiểm, lây lan nhanh và tử vong cao (90%). Bệnh lây từ người sang người, từ động vật sang người qua đường máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể hoặc tiếp xúc môi trường ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Theo ông Phu, dịch Ebola có nhiều nguy cơ lan truyền đến Việt Nam thông qua những người đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch hoặc công dân các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. “Người nhiễm bệnh Ebola có triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng, chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh cho người khác khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nói trên” - ông Phu lưu ý.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) đang giám sát khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy đo thân nhiệt từ xa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ba tình huống giả định

Ông Phu cho biết Bộ Y tế vừa đưa ra ba tình huống giả định để chủ động giám sát và phòng, chống dịch Ebola vào Việt Nam.

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, phải giám sát chặt tại cửa khẩu và cộng đồng. Tại cửa khẩu, sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ. Tại cộng đồng, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola hoặc có tiền sử đến từ vùng có dịch bệnh.

Tình huống 2: Xác định ca bệnh thâm nhập vào Việt Nam thì nhanh chóng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp thuộc diện giám sát. Bên cạnh đó, theo dõi sức khỏe của tất cả người có tiếp xúc trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Tình huống 3: Dịch Ebola lây lan trong cộng đồng, đối với ổ dịch đã được xác định thì giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên. “Tất cả trường hợp tử vong do nghi ngờ mắc Ebola phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm” - ông Phu nhấn mạnh.

Đo thân nhiệt khách du lịch tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trước nguy cơ Ebola thâm nhập vào Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết Cục đang rốt ráo thành lập hội đồng chuyên môn để xây dựng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo sở y tế tỉnh, thành phối hợp chặt các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát người nhập cảnh, nhất là những người từ quốc gia có vùng bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày thì cách ly và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.

Bà Tiến cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành chuẩn bị đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Do bệnh dễ lây nhiễm nên phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi bệnh, mắc bệnh…

Tại TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) thực hiện đo thân nhiệt tất cả khách du lịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, một số bệnh viện đang rà soát phòng cách ly, thuốc, trang thiết bị và giám sát chặt những trường hợp nghi ngờ Ebola trong bệnh viện. Sở Y tế TP.HCM cũng tăng cường truyền thông phòng, chống Ebola đến từng hộ dân.

TRẦN NGỌC

Chiều 6-8, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và GTVT đề nghị phối hợp giám sát bệnh Ebola. Bộ Y tế đề nghị các bộ nói trên chỉ đạo thực hiện khai báo y tế đối với khách đến từ bốn nước Tây Phi có dịch (Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria) trong vòng 21 ngày. Khi nghi ngờ khách mắc bệnh Ebola, kiểm dịch viên y tế tiến hành cách ly triệt để và thực hiện các biện pháp xử lý. Áp dụng tờ khai y tế bắt đầu lúc 0 giờ ngày 15-8 tại tất cả cửa khẩu quốc tế.

_________________________________________

730 là số người tử vong do dịch Ebola gây ra tại 11 quốc gia châu Phi. Hiện có hơn 1.320 người mắc. Dịch bệnh diễn ra tại khu vực dân cư biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không. Dịch bệnh còn đe dọa tính mạng của bác sĩ, nhân viên y tế khi trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh. Do chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất.

TS MARGARET CHAN, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Phòng bệnh Ebola bằng cách tránh tiếp xúc với người bệnh; khi cần tiếp xúc phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… Nếu có biểu hiện bệnh Ebola phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Ông TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm