9 trẻ bỗng dưng bất thường: Bệnh lạ mà không lạ

Chiều 18-12, đoàn khám bệnh do PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết trong ngày, đoàn các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã khám và xét nghiệm cho 108 học sinh (HS) tại điểm Trường Nà Bản xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Đây là điểm trường có chín HS (từ lớp 3 đến lớp 5) có biểu hiện bất thường như không hợp tác với thầy cô, nói năng hoang tưởng, tự bỏ lớp chạy ra ngoài, tấn công người khác, ngất, da xanh từ những ngày trước.

Theo đó, kết quả ban đầu, ngoài các em HS có biểu hiện bất thường, qua khám, xét nghiệm với 108 HS còn lại nhận thấy các em đều phát triển thể chất và tinh thần nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, một số bị viêm nhiễm đường hô hấp nặng nhưng cơ bản các em này ổn định.

Riêng với những HS có biểu hiện không bình thường trong thời gian qua, các bác sĩ vẫn tập trung khám những vấn đề liên quan đến tâm lý, thần kinh, ngộ độc và môi trường.

Đoàn bác sĩ BV Nhi Trung ương khám cho các em HS điểm Trường Nà Bản. Ảnh: TL

“Ban đầu, các chỉ số sinh tồn thể hiện trên khám lâm sàng của các em hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, các em có biểu hiện của bệnh rối loạn căn nguyên tâm lý nhưng chưa phải là kết luận chính thức về nguyên nhân của hiện tượng trên. Trước mắt, UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND huyện Chợ Đồn mỗi nơi ủng hộ 1 triệu đồng/cháu. Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng” - ông Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, thông tin.

Nhìn nhận ban đầu về sự việc nói trên, PGS-TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV 103 (Hà Nội), cho rằng những triệu chứng biểu hiện của chín HS này khá giống nhau, rất giống các đặc trưng của rối loạn phân ly. Rối loạn phân ly thường gặp ở HS THPT đặc biệt nữ thường mắc nhiều hơn nam.

Rối loạn phân ly không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng có thể phát thành trong một tập thể. Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là do các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương.

Dấu hiệu chính khi mắc phải căn bệnh này thường biểu hiện ra rất nhiều cơ quan như rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn các giác quan, bức bối.

“Rối loạn phân ly không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng nó lại mang tính tập thể liên quan đến tâm thần. Nếu trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể lây lan rất nhanh trong một tập thể lớn, thậm chí lên đến 40, 50 người. Một đặc điểm nữa là rối loạn phân ly hay làm người mắc tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy, khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan. Có khi còn bị cho là ma quỷ gây nên” - BS Đức nói.

Để điều trị cho các em ở Bắc Kạn nói riêng và phòng bệnh này nói chung, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Đặc biệt chú ý rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác. Đồng thời đưa các trẻ mắc đến cơ sở y tế theo dõi, điều trị.

PGS-TS CAO TIẾN ĐỨC
Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV 103 (Hà Nội) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm