30 tuổi đã mắc bệnh Parkinson

Chị Đậu Thanh Nga (sinh năm 1978), làm thợ may và chồng làm công nhân với thu nhập chỉ đủ trang trải cho hai con ăn học và sinh hoạt tối thiểu nhưng từ năm 2007, những cơn run bàn tay bắt đầu xuất hiện khiến chị không thể cầm thước đo hay cầm kéo cắt vải khiến cuộc sống điêu đứng.

Không phải ngẫu nhiên mà căn bệnh người già ập đến với chị sớm. Nguyên nhân là chị đã nhiễm chất độc da cam từ cha mình - ông Đậu Văn Bản, thương binh 4/4 hiện đang sống tại phường Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM).

Ông Bản từng chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ từ năm 1965 đến 1971. Sau chiến tranh, ông trở về cuộc sống thường ngày với nhiều thương tích trên người, bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Chị Nga ngay từ khi được sinh ra đã thường xuyên ốm đau, dặt dẹo.

Cách nay 3-4 năm, tại BV Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, chị Nga được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson (bệnh liệt run) và được theo dõi điều trị. Bệnh ngày càng nặng thêm với các triệu chứng như cứng một bên vai, cổ tay phải khó cử động xoay tròn. Triệu chứng “đông cứng” bắt đầu lan xuống khớp bàn chân khi chị bước đi, khó nuốt khi ăn uống...

Lúc này, mọi sinh hoạt cá nhân chị Nga đều phải nhờ người thân trong gia đình. Chị được các bác sĩ đề nghị thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu sớm để không bị tàn phế suốt đời. Mặc dù đã từng định bỏ cuộc do chi phí phẫu thuật vượt quá khả năng chi trả, nhưng may mắn người thân và bạn bè đã gom góp, vay mượn được đủ tiền để chi trả cuộc phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, chị Nga đã giảm 70% các cơn run tay, khó nuốt, cứng khớp khi vận động. Có thể tự lo sinh hoạt cá nhân, đi lại bình thường, dần dần phục hồi khả năng lao động.

Tuy nhiên, đến nay chị Nga cần được tiếp tục phẫu thuật thay pin máy kích thích não sâu. Trong khi đó, gia đình còn chưa trả hết số tiền vay mượn cho cuộc phẫu thuật đầu tiên.

Chị Đậu Thanh Nga hiện rất lo lắng không thay được pin cho máy điện cực kích thích não sâu sẽ khiến mình tàn phế. Ảnh: NP

 “Không ai sinh ra trên đời lại mong muốn cuộc sống mình gặp nhiều bất hạnh. Tôi không may mắn như người ta nhưng tôi không muốn đầu hàng số phận, không muốn gục ngã trước bệnh tật. Ước mong lớn nhất của tôi lúc này là sức khỏe ổn định, có thể chủ động sinh hoạt, tiếp tục lao động nuôi sống gia đình và trả hết số nợ còn lại. Thật lòng, tôi không biết vay mượn thế nào để chi trả cho cuộc phẫu thuật thứ hai, tôi chỉ cố gắng sống lạc quan mỗi ngày và hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra”, chị Nga tâm sự.

Parkinson là một bệnh rối loạn vận động mạn tính phức tạp, hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để nên người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời.

Những phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là để giảm thiểu triệu chứng bệnh, giúp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Chị Nga đã được chỉ định thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu vào năm 2015 nhằm giảm thiểu biến chứng bệnh và giúp phục hồi chức năng, trở về với công việc và cuộc sống. Hiện chị vẫn phải uống thuốc hằng ngày và tái khám theo dõi mỗi tháng.

Tuy nhiên, có khả năng vào năm 2018 máy kích thích não sâu sẽ hết pin và chị Nga cần được phẫu thuật để thay pin với chi phí khoảng 600 triệu đồng. Nếu không được điều trị, chị Nga không những mất khả năng vận động như hiện tại mà còn có nguy cơ tàn phế rất cao.

ThS-BS TRẦN NGỌC TÀI, Phó trưởng khoa Thần kinh kiêm trưởng Đơn vị Rối loạn vận động BV ĐHYD TP.HCM

Mọi sự quan tâm giúp đỡ chị Đậu Thanh Nga xin vui lòng liên hệ: Phòng Công tác xã hội BV ĐHYD TP.HCM, số điện thoại 02839525350 hoặc chuyển tiền vào tài khoản BV Đại học Y Dược TP.HCM, số tài khoản 0511000787878 - Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Sài thành TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm