3 Thứ trưởng BYT sẽ trực tiếp giám sát tiêm vaccine COVID-19

Đó là thông tin Bộ Y tế cho biết vào sáng 6-3 tại Hội nghị tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vì số lượng vaccine hạn chế, 13 địa phương có bệnh nhân COVID-19 được phân bổ tiêm lần này.

Trong đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19, tại điểm tiêm ở Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Với các địa phương chưa được phân bổ, cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, các chương trình đào tạo tập huấn. Ngay khi có vaccine về Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay để triển khai.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để quản lý và đảm bảo đúng nguồn và chất lượng vaccine.

Hiện nay có thông tin về một số tổ chức, cá nhân khi tiếp cận địa phương nói có thể cung ứng vaccine, ông Long lưu ý địa phương cần báo ngay với Bộ Y tế nếu có vấn đề này.

GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch trên tinh thần "4 tại chỗ", riêng với vaccine phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế trong đảm bảo nguồn cung vaccine cho các địa phương. Các địa phương cũng cần báo cáo Hội đồng nhân dân để có kinh phí cho vấn đề này.

Về giá vaccine, Bộ Y tế sẽ công khai mọi giá vaccine sau khi hoàn thành việc đàm phán với các hãng.

Thứ 2 tuần tới, ngày 8-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các cơ sở đang điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã phân công 3 Thứ trưởng chỉ đạo 3 điểm tiêm này, do đây là lần đầu tiêm vacicne COVID-19 cho người lớn ở quy mô rộng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian đầu thực hiện tiêm vaccine, Việt Nam triển khai thận trọng, đảm bảo giám sát, theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể.

Được biết, buổi tiêm dự kiến sẽ sự tham gia của có các tổ chức quốc tế và cơ quan truyền thông quốc tế.

Trong buổi tập huấn sáng nay, các chuyên gia hàng đầu đã hướng dẫn kỹ về chuẩn bị các tình huống (kể cả xấu) có thể xảy ra trong quá trình tiêm, sau tiêm. Các cơ sở cũng chuẩn bị kỹ càng khi có tình huống xấu.

Mục tiêu đặt ra là 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ mũi vaccine theo từng đợt phân bổ vaccine và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ trưởng đề nghị địa phương và cán bộ tiêm chủng thực hiện nghiêm theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và các chuyên gia, đặc biệt vấn đề chống sốc trong và sau tiêm.

“Chúng tôi coi vấn đề an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên nhất trong giai đoạn hiện nay" – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Vaccine COVID-19 là một trong những nỗ lực của tất cả nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine trên toàn cầu, được phát triển, ra đời, sử dụng nhanh nhất. Do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đánh giá hiệu quả, nên mức độ và thời gian bảo vệ vaccine có thể khác nhau, từ 6 tháng tới 2 năm.

"Đây là vaccine mới, những phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm. Kể cả vaccine đang lưu hành cũng không thể khẳng định độ an toàn 100%" - Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Do đây là vaccine mới, cách thức triển khai tiêm chủng của Việt Nam rất thận trọng. Dù tiếp nhận lô vaccine AstraZeneca đầu tiên từ cuối tháng 2, Bộ Y tế vẫn phải chờ giấy chứng nhận xuất xưởng của Hàn Quốc. Việt Nam cũng phải đánh giá lại tất cả những vấn đề liên quan lô vaccine này, theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm