1-6, viện phí tăng, BV có tăng chất lượng?

Bắt đầu từ ngày mai (1-6), TP.HCM là địa phương cuối cùng áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư liên tịch 04/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính. Điều mà nhiều người băn khoăn là liệu viện phí tăng thì chất lượng có tăng? Vấn đề này đã được Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo và các bệnh viện (BV) cũng đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng của mình.

Tăng bàn khám, tăng y đức

BV Ung bướu hằng ngày có 1.700-1.800 bệnh nhân đến khám, có khoảng 200 người đến tầm soát và khám ngoài giờ nhưng có đến 75% bệnh nhân là bệnh nhân tuyến tỉnh. Đến BV Ung bướu, không chỉ bệnh nhân 3-4 người/giường mà lối đi cũng phải chen lấn mới thoát ra được.

BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết để chuẩn bị cho việc áp dụng giá viện phí mới nhằm đáp ứng sự hài lòng cho bệnh nhân, BV đã tăng số bàn khám lên gấp đôi, từ 16 lên đến 30 bàn. BV tăng thêm quầy thu tiền, tăng cường chất lượng chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, BV luôn chú trọng xây dựng hình ảnh người thầy thuốc qua giáo dục, tập huấn tinh thần, thái độ, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế.

 
Người dân chờ đợi tín hiệu chất lượng tích cực từ các BV khi áp dụng giá viện phí mới. Ảnh: TÙNG SƠN

Tại BV quận Bình Tân, mỗi ngày có 1.000-1.500 người đến khám, trong đó 85% là bảo hiểm y tế (BHYT). Theo BS Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân, BV đã cải cách thủ tục hành chính như quản lý thu chi, thủ tục khám, chữa bệnh bằng phần mềm máy tính. BV chuẩn bị tâm lý cho y, bác sĩ trong quá trình phục vụ bệnh nhân. Về chuyên môn, BV nâng cao trách nhiệm và tập huấn tay nghề cho y, bác sĩ. Các khoa, phòng đều chỉnh trang để nhận bệnh nhân.

“Chúng tôi đảm bảo mỗi bệnh nhân khám, chữa bệnh mất khoảng hai giờ đồng hồ. Bệnh nhân đến buổi sáng thì giải quyết hết, không để đến buổi chiều” - BS Mười nói. Với 35 bàn khám, hệ thống cận lâm sàng nội ngoại, sản nhi, hồi sức, chấn thương chỉnh hình… và trang thiết bị hiện đại như X-quang, siêu âm màu, tiến tới đặt máy MRI (tháng 10 xong), BS Mười hy vọng BV sẽ làm hài lòng bệnh nhân.

Hầu hết các BV đều trang bị, nâng cấp phần mềm phục vụ bệnh nhân BHYT khi sử dụng thẻ BHYT có mã vạch nhằm rút ngắn quy trình, thời gian khám bệnh. BV Nhi đồng 1, Cần Giờ, Nguyễn Trãi, Bình Thạnh… đã chuyển một số phòng hành chính, kho thành bàn khám, khu khám. Ở một số BV khác như BV Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng 1, quận Thủ Đức tăng thời gian khám bệnh của bác sĩ: Khám từ 6 giờ sáng, khám thông tầm (không nghỉ trưa, khám từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30), khám 24/24 giờ và mở thêm quầy phát thuốc, cửa phát thuốc cho bệnh nhân BHYT.

Đặc biệt, BV Nhi đồng 1 đã xây dựng hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động: Chuyển mẫu và kết quả nhanh chóng: 30-40 giây/lần, tiết kiệm nhân lực và thời gian, tránh lây nhiễm, tăng hài lòng bệnh nhân, tạo hình ảnh môi trường chuyên nghiệp.

Vẫn cho làm dịch vụ nhưng phải minh bạch

Nhiều ý kiến cho rằng khi giá viện phí đã tăng, BV có đủ kinh phí hoạt động và đảm bảo nguồn sống cho nhân viên thì BV cần phải bỏ dịch vụ? Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Sở Y tế, giá tiền công khám bệnh, giường bệnh từ năm 1995 đã quá lạc hậu (khám bệnh BV thành phố 3.000 đồng, tuyến quận/huyện 2.000 đồng, trạm y tế 500 đồng, giường bệnh 8.000-10.000 đồng) làm cho các cơ sở khám, chữa bệnh không đủ khả năng chi trả các khoản chi phí ngày càng tăng do trượt giá. Do vậy các cơ sở y tế đang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bộ máy, biên chế, tài chính. Tuy nhiên, mức giá điều chỉnh từ ngày 1-6 không chỉ áp dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT mà cả bệnh nhân không có thẻ BHYT. Riêng đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, các dịch vụ kỹ thuật được cung cấp từ các trang thiết bị xã hội hóa thì được thu theo giá được tính đầy đủ các yếu tố chi phí và có tích lũy, các đơn vị phải công khai phần chênh lệch giữa giá này và giá được BHYT thanh toán để người bệnh biết và lựa chọn.

“Cần có lộ trình chứ không bỏ ngay được vì lúc nào bệnh nhân cũng đông, nếu không làm ngoài giờ, dịch vụ thì không giải quyết được. Nếu bỏ dịch vụ thì quá tải giờ hành chính và thời gian chờ của bệnh nhân sẽ kéo dài” - BS Minh nói.

DUY TÍNH

 

Trang bị máy móc cũng phải đợi

Một yếu tố không thể thiếu trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân là đầu tư thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, lúc trước một bệnh nhân siêu âm chỉ chờ hai ngày nhưng hiện kéo dài đến 4-5 ngày.

Hiện BV có sáu máy siêu âm nhưng hai cái luôn bị trục trặc. BV muốn trang bị thêm bảy máy siêu âm nhưng phải chờ duyệt kinh phí, đấu thầu. Chúng tôi chuẩn bị đã sáu tháng nay nhưng chưa mua được. Ngay cả máy tài trợ (bằng tiền) cũng phải qua trung tâm mua sắm đấu thầu nên vẫn chưa có. Rồi bốn máy siêu âm theo chủ trương xã hội hóa cũng phải chờ do thủ tục đấu thầu.

BS LÊ HOÀNG MINH, Giám đốc BV Ung bướu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm