Xung đột tại Ukraine sẽ diễn biến ra sao sau thảm kịch MH17?

Khó có thể khiến xung đột rẽ theo ngã mới

Tuy nhiên, thảm kịch khủng khiếp này khiến nhiều chuyên gia an ninh nhận định rằng sẽ khó có thể đổi hướng cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia Đông Âu này.

Xung đột tại Ukraine sẽ diễn biến ra sao sau thảm kịch MH17? ảnh 1Chiếc máy bay rơi xuống một cánh đồng gần làng Grabovo (Ảnh: Reuters)

“Lợi ích của Nga trong việc giữ cho tình hình ở miền Đông Ukraine tiếp tục căng thẳng sẽ không thể bị thay đổi chỉ vì vụ máy bay rơi này”, ông Michael Desch, một chuyên gia về an ninh quốc tế và chính sách ngoại giao của Mỹ tại Đại học Notre Dame bang Indiana cho biết.

“Về phần mình, Mỹ sẽ tiến hành những điều tra ban đầu, tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng vụ máy bay rơi có thể thay đổi lợi ích và quyết tâm của chúng tôi đối với tình hình Ukraine”, ông Desch nói thêm.

Việc các lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine được cho là đã bắn hạ máy bay MH17 nhờ việc sử dụng vũ khí của Nga có thể khiến Mỹ và EU áp đặt thêm một lệnh trừng phạt mới đối với Nga hoặc có thể khiến họ đưa ra những đề xuất ngoại giao nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine.

“Từ tình hình hiện tại, bạn sẽ nghe được nhiều phiên bản khác nhau liên quan đến những gì thực sự diễn ra”, ông Nikolas Gvosdev, một giáo sư chuyên nghiên cứu về an ninh tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ tại Newport cho biết.

“Đây là một vụ việc mà mọi người đều cho rằng đã hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát và quyết định sẽ phải có những hành động cụ thể để thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp tại Ukraine”, ông Gvsdev nói và cho rằng phản ứng của Đức trong 48 giờ tới sẽ là chìa khóa cho vấn đề này.

Tuy nhiên, việc đổ lỗi cho ai đó cũng như xác định hậu quả của hành động này sẽ phải chờ đợi cho đến khi các quan chức Lầu Năm Góc xác định rõ ai là thủ phạm bắn rơi máy bay MH17.

Ngay cả khi xác định rõ được bên nào phải chịu trách nhiệm trong việc này thì khó có khả năng vụ bắn rơi máy bay nói trên có thể dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng hơn là một sai lầm đáng tiếc diễn ra tại một khu vực đang leo thang căng thẳng, ông Desch nói và cho biết điều này sẽ dập tan mọi quyết tâm hành động của các bên liên quan.

Ông Desch cũng cho biết những vụ bắn hạ máy bay “do nhầm lẫn trước đây” – kể cả việc máy bay chiến đấy của Nga bắn rơi một máy bay thương mại của Hàn Quốc đang chở một Nghị sỹ Quốc hội Mỹ trên đó vào năm 1983 và vụ máy bay chiến đấu F-14 của Mỹ bắn hạ máy bay dân sự của Iran năm 1988, cũng hầu như không để lại hậu quả gì quá lớn.

“Rõ ràng, đây sẽ là một vết nhơ đối với Nga nếu Nga tiến hành bắn hạ chiếc máy bay nói trên hoặc chuyển giao hệ thống vũ khí cho các lực lượng ly khai tại Ukraine để thực hiện việc này. Tuy nhiên, điều này không thay đổi bản chất của những hoạt động do Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine”, ông Desch nhấn mạnh.

Các bên đổ lỗi cho nhau

Chính quyền Ukraine, vốn có một vài máy bay quân sự bị lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine bắn hạ trong vòng vài tuần qua”, đã nhanh chóng gọi vụ tấn công máy bay Malaysia này là một hành động khủng bố và cho rằng lực lượng ly khai đã tiến hành việc này.

Tuy nhiên, lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine cũng đã nhanh chóng phủ nhận trách nhiệm của vụ tấn công nói trên mặc dù trên mạng xã hội đã xuất hiện một số thông tin (chưa được kiểm chứng) rằng lực lượng ly khai đang sở hữu những hệ thống chống máy bay phức tạp do Nga chế tạo có khả năng triệt hạ máy bay Malaysia.

Xung đột tại Ukraine sẽ diễn biến ra sao sau thảm kịch MH17? ảnh 2Người dân làng Grabovo có mặt tại hiện trường máy bay rơi (Ảnh: AP)

Những nỗ lực để điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay có thể sẽ bị cản trở bởi khu vực này nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng ly khai dù Mỹ đã gửi lời đề nghị đến Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng nước này sẽ cử các nhân viên điều tra đến địa điểm rơi máy bay.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã dự định mở một cuộc họp công khai vào ngày hôm nay (19/7) để đưa ra những chỉ đạo cụ thể về vụ rơi máy bay nói trên.

Trong khi đó, ông Gvosdev cho biết phiên họp của Hội đồng Bảo an có thể là rất hữu ích trong việc đưa vụ rơi máy bay và những xung đột tại Ukraine lên lịch trình đàm phán của Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, ông Gvosdev cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề máy bay MH17 bị bắn hạ cũng có thể kết thúc bằng việc “Anh và Mỹ ở một phía trong khi Nga đứng về một phía và Trung Quốc đứng ở bên lề”, tức là sẽ chả đi đến đâu cả.

Chờ đợi phản ứng từ Đức khi Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể

Trong trường hợp này, ông Gvosdev cho rằng một phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng từ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có nhiều tác động rất lớn.

Thảm kịch máy bay rơi này nếu thực sự là do tên lửa của Nga hoặc là do Nga cung cấp sẽ khiến bà Merkel buộc phải lựa chọn một biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga hoặc có thể cho rằng hành động này đã đi quá giới hạn và đòi hỏi phải có một giải pháp để giải quyết vấn đề Ukraine.

Xung đột tại Ukraine sẽ diễn biến ra sao sau thảm kịch MH17? ảnh 3Hoa và nến được người dân đặt trước cửa Đại sứ quán Hà Lan để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng một thảm họa như thế này có thể là hậu quả của một cuộc xung đột đã trở nên quá nghiêm trọng mà không hề được giải quyết.

“Trong khi chúng ta vẫn ngồi đây và chờ đợi một thông tin về nguyên nhân chiếc máy bay MH17 bị rơi thì có một sự thật mà chúng ta cần biết về xung đột giữa Nga và Ukraine đó là: Khi một quốc gia cố tình vi phạm luật pháp quốc tế mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng thì rất có thể là sẽ có những tính toán sai lầm tiếp theo”, bà Danielle Pletka, Phó Chủ tịch viện

American Enterprise Institute tại Washington cho biết.

Bà Pletka cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama- người không còn muốn Mỹ tham gia vào mọi vấn đề toàn cầu trên thế giới, sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình hình bất ổn trên rất nhiều khu vực trên thế giới.

Việc né tránh những tình hình bất ổn này có thể dẫn đến những “tính toán sai lầm” có thể xảy ra tại miền Đông Ukraine và “cũng chính là lý do mà Mỹ đã mất dần tầm ảnh hưởng đối với trật tự thế giới hiện nay”, bà Pletka nhấn mạnh.

“Chính việc Mỹ đang rút lui đã khiến chúng ta không còn ngạc nhiên về việc từ Ukraine đến Gaza đến Iraq, những kẻ xấu lại càng lộng hành hơn”, bà Pletka khẳng định.

Tuy nhiên, đối với nhiều người câu hỏi về thảm kịch máy bay Malaysia bị bắn hạ có thể đơn giản hơn nhiều và chỉ bao gồm: Ai làm việc này và tại sao và có thể là tại sao chiếc máy bay này lại bay qua một khu vực đang xảy ra xung đột như vậy./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm