Xung đột sắc tộc: Mỹ chìm trong vòng xoáy bạo lực

Làn sóng biểu tình, bạo động ở Mỹ nay đã kéo dài hơn một tuần kể từ sau vụ cảnh sát kẹp cổ đến chết một người đàn ông da màu tên George Floyd ở bang Minnesota ngày 25-5. Chính quyền của ít nhất 140 TP đã báo cáo xảy ra nạn cướp bóc, đập phá do các đối tượng quá khích gây ra.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ cho hay ít nhất 4.000 người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ. Đã có khoảng 40 TP ban hành lệnh giới nghiêm cho đến sáng 3-6 (giờ Việt Nam) trong nỗ lực kiềm chế đám đông giận dữ.

Theo đánh giá của tờ The New York Times, đợt biểu tình hiện nay ở Mỹ về quy mô và mức độ tàn phá có thể sánh ngang với phong trào xuống đường năm 1968 phản đối vụ ám sát linh mục đấu tranh cho quyền bình đẳng sắc tộc Martin Luther King. Thời điểm đó, hàng trăm TP trên toàn nước Mỹ cũng chìm trong bạo loạn với những khu vực bị nặng nhất là thủ đô Washington, Baltimore, Chicago và Kansas.

Doanh nghiệp kêu trời vì biểu tình

Tờ The Wall Street Journal ngày 2-6 dẫn lời người phát ngôn của chuỗi bán lẻ hàng đầu nước Mỹ cho biết công ty này sẽ tạm đóng cửa và giảm thời gian mở cửa của khoảng 200 cửa hàng sau khi cửa hàng Target gần nơi George Floyd tử vong ở TP Minneapolis bị đập phá vào tuần trước. Hai chuỗi bán lẻ khác là Walmart và CVS buộc phải đóng một số cửa hiệu do lo ngại về an ninh. Chuỗi bán lẻ trực tuyến Amazon cho biết sẽ giảm bớt hoạt động ở một số TP.

Cửa hàng của hai thương hiệu thời trang thể thao Nike và Adidas cũng trong tình trạng tương tự vào cuối tuần qua. Adidas quyết định đóng tất cả cửa hàng ở Mỹ cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, Nike đưa ra thông điệp ủng hộ phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc nhưng kêu gọi người biểu tình hãy giữ thái độ ôn hòa.

Hãng tin Bloomberg cho hay doanh nghiệp ở Mỹ đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn do các thiệt hại trong đợt dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thì nay phải chịu thêm tổn thất mới.

“Rất nhiều người trong số này đang phải sống nhờ vào các chương trình hỗ trợ vay của chính phủ. Tuy nhiên, với tình hình nhiều TP tuyên bố lệnh giới nghiêm, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế có thể cần thêm thời gian để phục hồi” - Bloomberg nhận định.

Người biểu tình đập phá ở TP Chicago thuộc bang Illinois, Mỹ ngày 1-6. Ảnh: AP

Lựa chọn nào cho ông Trump?

Hôm 1-6, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng tuyên bố triển khai hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát được vũ trang đầy đủ để ngăn chặn bạo lực ở thủ đô Washington cũng như ở các bang khác. Ông đồng thời cũng kêu gọi các thị trưởng và thống đốc mạnh tay xử lý các trường hợp phá hoại, quá khích.

Trên thực tế, các lực lượng cảnh sát ở nhiều địa phương thời gian qua được ghi nhận không ngần ngại sử dụng đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình. Thậm chí, có trường hợp người biểu tình đã hợp tác nhưng vẫn bị bắn hơi cay vào mặt được đài CNN đưa tin ở bang New York.

Đài Fox News ngày 1-6 đưa tin cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama - bà Susan Rice bất ngờ cho rằng Nga có thể đứng sau làn sóng bạo động ở Mỹ. Bà Rice cho hay Moscow đang cố tình “làm tan rã Mỹ” từ bên trong thông qua các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội dù không đưa ra bằng chứng nào. 

Nhiều chuyên gia lo ngại nếu cứ tiếp tục phản ứng với bạo lực bằng bạo lực, phong trào biểu tình sẽ không bao giờ chấm dứt. So sánh với các đợt biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, người Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, rõ ràng không hề tin tưởng vào chính quyền của mình và do đó sẽ không nhượng bộ cho đến khi Washington có động thái xoa dịu. Chưa kể, có ý kiến còn đánh giá cái chết của George Floyd là giọt nước tràn ly, làm bùng phát xung đột sắc tộc đã âm ỷ nhiều năm qua mà không được giải quyết hợp lý và thỏa đáng.

Tuy nhiên, kịch bản ông Trump chấp nhận lùi bước sẽ khó có khả năng xảy ra vì tổng thống Mỹ đã nhiều lần khẳng định không nhượng bộ, không hy sinh lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, chiến dịch tái tranh cử sắp tới của chủ nhân Nhà Trắng gần như đã đặt cược tất cả vào một sự khôi phục thần kỳ của kinh tế Mỹ và những người biểu tình đang cản đường ông đi đến đích.

Dù tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới là ai, chắc chắn ưu tiên về hàn gắn sắc tộc và chống nạn phân biệt chủng tộc sẽ được đặt lên hàng đầu.

Biểu tình có thể làm bùng phát đợt COVID-19 thứ hai

Do ảnh hưởng của phong trào biểu tình hiện nay ở Mỹ, nhiều trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở các TP lớn phải ngừng hoạt động tạm thời khiến năng lực phát hiện, cách ly các ca nghi nhiễm giảm đáng kể, theo hãng tin CNN.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn lo ngại về khả năng virus lây lan trong những nhóm người tham gia biểu tình vì những người này đứng quá gần nhau. Các trường hợp nhiễm không triệu chứng xuống đường cũng sẽ tăng rất cao. Theo TS Ashish Jha thuộc ĐH Harvard (Mỹ), hơn một nửa số bệnh nhân ở Mỹ bị lây nhiễm từ các ca dạng này.

Ông cũng cảnh báo việc bắt giữ, di chuyển hoặc bỏ tù người biểu tình làm tăng khả năng lây lan virus, đồng thời kêu gọi hai bên hết sức kiềm chế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm