Xung đột Israel - Hamas và tính toán của hai bên

Giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas (kiểm soát Dải Gaza) bước sang tuần thứ hai với độ nguy hiểm ngày càng tăng. Ngày 16-5 là ngày tang thương nhất của Dải Gaza trong đợt xung đột này khi Israel không kích tới khoảng 90 mục tiêu thuộc khu vực ven biển đông dân cư khiến ít nhất 42 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo hãng tin AP.

Nỗ lực quốc tế chưa có kết quả

Cộng đồng quốc tế đang đẩy nhanh nỗ lực chấm dứt xung đột hai bên. Phát biểu mở đầu cuộc họp lần ba của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề này ngày 16-5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lo ngại rằng “cuộc xung đột có thể mở ra một thời kỳ bất ổn an ninh không thể kiềm chế cũng như khủng hoảng nhân đạo và làm gia tăng hơn nữa chủ nghĩa cực đoan không chỉ ở Israel, các vùng lãnh thổ Palestine, mà còn ở toàn khu vực Trung Đông”. Vì thế, ông kêu gọi cần “chấm dứt ngay lập tức” xung đột bạo lực.

Cảnh sát vũ trang của Israel (trái) tranh cãi với một phụ nữ Palestine (phải) tại khu vực định cư của người Palestine ở phía đông TP Jerusalem ngày 12-5. Ảnh: AP

Các thành viên HĐBA tiếp tục lặp lại các luận điểm đã đưa ra từ hai lần họp trước là bày tỏ lo ngại nguy cơ bạo lực leo thang, lan rộng, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh gây thiệt hại cho dân thường và tôn trọng luật pháp quốc tế. HĐBA khuyến khích Israel và Hamas cùng chính quyền Palestine giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình và nên cân nhắc kỹ giải pháp hai nhà nước. HĐBA không đưa được tuyên bố chung vì bị phái bộ Mỹ phản đối, muốn cần thêm thời gian để các nỗ lực ngoại giao riêng của nước này phát huy tác dụng.

197 người Palestine tại Dải Gaza đã thiệt mạng trong các đợt không kích của Israel kể từ ngày 10-5 đến nay, theo hãng tin AP. Về phía Israel, có 10 người thiệt mạng trong các đợt nã rocket của Hamas. 

Về nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết khủng hoảng Israel - Hamas, ngày 14-5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh Washington sẽ tập trung cân bằng các mối quan hệ của Mỹ tại khu vực và cố gắng chấm dứt khủng hoảng bằng giải pháp chính trị. Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần qua đã điện đàm với những người đồng cấp ở các quốc gia xung quanh như Qatar và Saudi Arabia để tìm kiếm giải pháp chung. Tổng thống Joe Biden từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 4 cũng được cho đã giữ liên lạc chặt với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu.

Một quốc gia khác có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông và là đồng minh lâu năm của Palestine là Ai Cập thời gian qua cũng tiến hành các động thái ngoại giao nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân Palestine. Ngày 14-5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry điện đàm với người đồng cấp Jordan - ông Ayman Safadi để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Israel. Hai quan chức này nhất trí sẽ yêu cầu chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình thông qua một giải pháp công bằng và lâu dài, hướng tới thành lập nhà nước Palestine độc lập.

Thỏa thuận đình chiến và tính toán của hai bên

Cả Israel và Hamas đều biết nếu để nổ ra một cuộc chiến tranh Gaza lần thứ tư thì hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn ba lần chiến tranh trước vào các năm 2009, 2012 và 2014. Trong số này, đợt đụng độ năm 2014 là nghiêm trọng nhất khi làm 2.100 người Palestine và 71 người Israel thiệt mạng, cùng 10.000 người khác bị thương. Do đó, giới chuyên gia kỳ vọng cuối cùng hai bên đều sẽ đi được tới một thỏa thuận đình chiến được quốc tế làm trung gian và giám sát thực thi.

Hãng tin Al Jazeera dẫn truyền thông trong khu vực cho rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận đình chiến vào đầu tuần tới với vai trò trung gian của LHQ và các nước, đặc biệt là Mỹ và Ai Cập, trong đó Mỹ sẽ liên lạc với Israel, còn Ai Cập sẽ hối thúc các phe phái Palestine. Một số nguồn tin an ninh cấp cao của Israel cũng cho biết chiến dịch tấn công vào Dải Gaza cũng chuẩn bị kết thúc sau khi quân đội nước này đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống sản xuất tên lửa của Hamas nói riêng và nhóm vũ trang Hồi giáo khác nói chung hoạt động tại đây.

Dù vậy, trước khi đi đến một thỏa thuận như vậy, mỗi bên đều đang nhắm đến thứ mà họ có thể coi là “chiến thắng”. Với Israel, chiến thắng có thể đồng nghĩa là đã ám sát một chỉ huy hàng đầu của Hamas, hoặc phá hủy đủ số lượng đường hầm, bệ phóng rocket và các cơ sở hạ tầng khác, để tuyên bố rằng họ đã “cắt sạch cỏ” - cụm từ được người Israel sử dụng rộng rãi để mô tả việc trấn áp tạm thời lực lượng Hamas.

Còn với Hamas, thắng lợi lớn nhất sẽ là bắt giữ được binh lính Israel để sau đó có thể trao đổi với những người Palestine bị cầm tù. Tiếp đến là phóng thêm được vài quả rocket tầm xa vào các TP lớn ở Israel để thể hiện sức mạnh của một tổ chức vũ trang của Palestine khi đối đầu với đối thủ mạnh hơn nhiều.

Tuy nhiên, điều giới chuyên gia đang lo ngại là nguy cơ cuộc xung đột leo thang tới mức hai bên không kiểm soát được. Chẳng hạn, việc một thủ lĩnh Hamas bị ám sát, hay binh sĩ Israel bị bắt giữ sẽ làm tình hình leo thang nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân ở Dải Gaza.

Việt Nam nêu lập trường về xung đột Israel - Palestine

Ngày 16-5, phát biểu tại cuộc họp lần ba của HĐBA về tình hình căng thẳng giữa Israel và Hamas, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam quan ngại sâu sắc trước số lượng dân thường thương vong ngày càng lớn và nhấn mạnh Việt Nam lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Đại sứ Đặng Đình Quý cũng đề nghị các bên, đặc biệt là Israel, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thực hiện kiềm chế tối đa để giảm thiểu thiệt hại và tránh thương vong cho dân thường, cũng như tránh gây thiệt hại cho các hạ tầng cơ sở thiết yếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm