Xuất hiện tin đồn Tổng thống Trump từng đột quỵ

Ngày 1-9, một bác sĩ Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ tin đồn Tổng thống Donald Trump từng trải qua một trận đột quỵ vào năm ngoái. Tin đồn này xuất hiện đầu tiên trong một cuốn sách sắp xuất bản của một tác gia là cây viết của báo New York Times.

Trong tuyên bố phủ nhận ngày 1-9, bác sĩ Sean Conley nói ông có thể xác nhận ông Trump “chưa từng trải qua hay chưa từng bị đánh giá” là bị đột quỵ hay bị thiếu máu não thoáng qua (mini-stroke), hay có “bất kỳ vấn đề khẩn cấp cấp tính nào về tim mạch” như truyền thông đã đưa tin “một cách sai lệch”.

Bác sĩ Conley khẳng định Tổng thống Trump “vẫn khỏe mạnh” và ông không “quan ngại gì” về khả năng của tổng thống chịu được lịch trình làm việc nghiêm ngặt cũng như thực hiện các công việc mình ở văn phòng.

Bản thân ông Trump cũng lên Twitter bác bỏ tin đồn này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Mạng Twitter nóng rực ngày 1-9 cùng với tin đồn bắt nguồn từ một đoạn trích dẫn trong cuốn sách sắp xuất bản của nhà báo Michael Schmidt của tờ New York Times. Trong cuốn sách ông Schmidt nhắc đến lần Tổng thống Trump vào bệnh viện quân đội Walter Reed hồi tháng 11-2019 và Phó Tổng thống Mike Pence được thông báo “sẵn sàng nhận chuyển giao quyền lực tổng thống nếu ông Trump phải trải qua phẫu thuật và buộc phải gây mê”.

Đoạn trích dẫn không nói chi tiết hay đề cập cụ thể đến việc đột quỵ. Tuy nhiên thành phần chỉ trích ông Trump đã nhanh chóng tạo xu hướng #TrumpStroke (trending) trên Twitter, và nhiều người bắt đầu đưa ra các giả thuyết về những gì đã xảy ra với ông Trump cũng như đặt câu hỏi hiện ông có đủ sức khỏe để đảm bảo công việc hay không. Nhiều người còn thu thập một số hình ảnh trước đây của ông Trump để chứng minh cho giả thuyết của mình.

Một người dùng Twitter thu thập các hình ảnh ông Trump và chú thích rằng: Ngày 28-5, ông Trump không kiểm soát được tay trái; Ngày 13-6, ông Trump không thể dùng tay phải nâng ly nước; Ngày 28-6, ông Trump phải kéo lê chân phải khi đang bước; Ngày 28-8, lảo đảo trên bậc thang. Các chứng về thần kinh thường ảnh hưởng việc kiểm soát dây thần kinh vận động ở một bên.

Các hình ảnh một người dùng Twitter thu thập lại để chứng minh cho giả thuyết của mình. Ảnh: TWITTER

Các hình ảnh một người dùng Twitter thu thập lại để chứng minh cho giả thuyết của mình. Ảnh: TWITTER

Trong dòng trạng thái đăng trên Twitter ông Trump có phủ nhận mình có trải qua “một loạt sự cố thiếu máu não”. Tuy nhiên ông Schmidt sau đó lên Twitter phản hồi lại rằng cuốn sách của ông “không nói gì về chuyện thiếu máu não”.

Trên Twitter ông Trump cũng đề cập tới ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ - ông Joe Biden – người nhiều lần có các sự cố vấp váp, nói hớ trong các lần được phỏng vấn khiến nhiều người đặt câu hỏi về sức khỏe tinh thần của chính trị gia 77 tuổi này.

“Có lẽ họ đang đề cập tới một ứng viên khác từ một đảng khác!” – ông Trump viết trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm