WHO: Sẽ không thể quay lại ‘bình thường cũ’ vì COVID-19

Ngày 13-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại thế giới sẽ không có sự trở lại "bình thường cũ" trong tương lai gần, đặc biệt là khi các biện pháp phòng ngừa COVID-19 bị bỏ qua.

“Quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng, virus vẫn đang là kẻ thù chung số một của cộng đồng" - hãng tin Reuters dẫn lời ông Tedros nói trong một cuộc họp ngắn từ trụ sở của WHO ở Geneva.

"Nếu những nguyên tắc phòng ngừa cơ bản không được tuân theo, thì đại dịch này sẽ ngày càng tồi tệ hơn nữa. Nhưng chúng ta có thể khiến nó không diễn ra theo hướng này." – ông lo ngại.

Theo thống kê của Reuters, tính đến ngày 13-7, số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu đã chạm mốc 13.000.000, tăng tới một triệu ca chỉ trong vòng năm ngày. Trong sáu tháng qua, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn nửa triệu người tử vong.

Một giáo dân, có sử dụng tấm che mặt, nhìn lối vào của Nhà thờ trong một buổi lễ vào ngày đầu tiên các đền thờ mở cửa lại giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát, ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 12-7. Ảnh: REUTERS

Thống kê của Reuters dựa trên các báo cáo của chính phủ cho thấy căn bệnh này đang gia tăng mạnh nhất ở khu vực Mỹ Latinh. Châu Mỹ chiếm hơn một nửa trong tổng số ca nhiễm bệnh và chiếm một nửa số ca tử vong của thế giới.

Mỹ và Brazil là hai quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỹ hiện với hơn 3.300.000 ca nhiễm bệnh, vẫn đang phải chứng kiến đà tăng số ca nhiễm rất nhanh. Mỹ đã báo cáo số ca nhiễm kỷ lục trong vòng một ngày với 69.070 ca (vào ngày 10-7).

Tiểu bang Florida của Mỹ đã báo cáo mức tăng kỷ lục của hơn 15.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ ngày 12-7, nhiều hơn tổng số ca của Hàn Quốc kể từ khi căn bệnh này lần đầu tiên được xác định ở đây vào cuối năm ngoái. Bang này cũng có thêm 12.624 số ca mới vào thứ Hai.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng đã liên tục khẳng định rằng căn bệnh này đã được kiểm soát và các trường học sẽ mở cửa trở lại vào mùa thu.

"Tổng thống và chính quyền của ông đang đùa giỡn với sức khỏe con em của chúng ta. Tất cả chúng ta đều muốn con em mình trở lại trường học. Nhưng chúng phải được quay lại trường trong an toàn" - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói trên một chương trình của đài CNN.

Giám đốc chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Mike Ryan kêu gọi các nước không biến trường học thành một "sân bóng chính trị khác". Theo ông, trường học chỉ có thể mở cửa trở lại an toàn một khi virus đã bị tiêu diệt.

Tại Brazil, 1.860.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính, bao gồm cả tổng thống nước này là ông Jair Bolsonaro, và đã có hơn 72.000 người đã chết.

Ấn Độ - quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba thế giớib đang phải đối mặt với trung bình 23.000 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ đầu tháng 7.

Một số nơi khác, như thành phố Melbourne của Úc và Leicester của Anh, đang thực hiện một đợt đóng cửa lần thứ hai. Hong Kong, mặc dù chỉ có 1.522 trường hợp nhiễm bệnh, vẫn đang thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong do lo ngại về khả năng bùng dịch lần thứ ba.

Một số nước đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sau khi số ca nhiễm có dấu hiệu ngừng tăng.

Tây Ban Nha - một trong những quốc gia châu Âu bị COVID-19 tấn công nặng nề nhất đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào tháng trước, khi đại dịch dường như đã có dấu hiệu được kiểm soát.

Tuy nhiên gần đây số ca nhiễm ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) có dấu hiệu tăng lại. Lãnh đạo vùng Catalonia kêu gọi người dân ở nhà, mặc trước đó tòa án có phán quyết bác bỏ yêu cầu này.

Các quốc gia có khả năng xét nghiệm hạn chế thường có số ca nhiễm ít hơn. Các chuyên gia cho biết dữ liệu chính thức đã được công bố có thể ít hơn trên thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm