WHO báo động nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới trên toàn cầu

Ngày 14-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng trở lại trên toàn cầu, khi số ca tử vong lại tăng trong tuần trước sau chín tuần giảm liên tiếp, hãng AP đưa tin.

Ca nhiễm và ca tử vong tăng cao

Trong tuần này, WHO ghi nhận có hơn 55.000 ca tử vong vì COVID-19, tăng 3% so với tuần trước. Theo WHO, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 10% trong tuần trước (gần 3 triệu ca), trong đó các nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh ghi nhận số ca nhiễm cao nhất. 

Sự đảo ngược này được cho là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, việc nới lỏng các quy định về phòng chống dịch bệnh tại các quốc gia, và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. WHO cho biết hiện biến thể này đã xuất hiện ở 111 quốc gia và dự kiến sẽ nhanh chóng lây lan trên toàn cầu trong những tháng tới.

Nhân viên y tế tiến hành điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Klinikum Darmstadt, Đức. Ảnh: REUTERS

Theo AP, số người chết ở Argentina lên tới 100.000 người. Số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày ở Nga đạt mức cao kỷ lục trong tuần này. Ở Bỉ, số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Delta đã tăng gần gấp đôi trong tuần qua. Lần đầu tiên trong vòng 6 tháng, nước Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 40.000 ca mắc mới trong một ngày.

Ở Myanmar, các lò hỏa táng đang hoạt động từ sáng đến tối vì số ca tử vong do COVID-19 không ngừng gia tăng. Indonesia đã ghi nhận gần 1.000 ca tử vong và hơn 54.000 ca mắc mới chỉ trong ngày 13-7.

Tại Mỹ, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, số ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày đã tăng gấp đôi trong vòng hai tuần qua, lên mức trung bình khoảng 24.000 ca dù số ca tử vong vẫn đang giảm.

Hiện, Nhật Bản đang trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư trước Thế vận hội mùa hè 2020 dự kiến diễn ra trong tháng này ở TP Tokyo, với số ca nhiễm tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống y tế nước này. Các chuyên gia đã nói rằng số ca nhiễm tại nước này có thể tăng trên 1.000 ca trước Thế vận hội và nhân lên hàng ngàn ca nhiễm khi các cổ động viên tập trung đông ở các trận đấu.

Tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế

Sự gia tăng đột biến về số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 đã khiến nhiều nơi như TP Sydney, Úc áp đặt các các biện pháp hạn chế bổ sung. Theo đó, TP Sydney sẽ tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa cho đến ít nhất là cuối tháng 7, lâu hơn hai tuần so với kế hoạch. Hàn Quốc cũng áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Seoul vì mức độ lây nhiễm lan rộng.

Các khu vực của Tây Ban Nha, bao gồm TP Barcelona, đã áp dụng lệnh giới nghiêm qua đêm. Ông Sadiq Khan - Thị trưởng TP London, Anh - cho biết hành khách vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng ngay cả khi các quy định hạn chế khác ở Anh được dỡ bỏ vào tuần tới. Ngoài ra, Chính phủ Ý cảnh báo tất cả người dân ra nước ngoài rằng họ có thể phải cách ly trước khi về nước.

WHO cho biết nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với "áp lực đáng kể" để dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng nếu việc dỡ bỏ hạn chế không thực hiện đúng cách sẽ chỉ tạo cơ hội cho virus lây lan nhiều hơn.

Theo hãng tin AFP, giữa lúc các quốc gia trên thế giới đang chịu áp lực về việc mở cửa hoàn toàn, WHO tiếp tục khuyến khích người dân nên đeo khẩu trang, vệ sinh tay và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch cũng như thực hiện giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân và hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Đồng thời, WHO cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm ngừa COVID-19 cho ít nhất 10% dân số trong mỗi quốc gia vào tháng 9 cũng như khuyến khích việc chia sẻ vaccine COVID-19 giữa nước giàu và nước nghèo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm