Vụ xả súng ở California: IS lên tiếng nhận trách nhiệm

Ngày 5-12 (giờ địa phương), tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố trong bản tin phát thanh Al Bayan vụ xả súng ở bang California (Mỹ) làm 14 người chết là do hai phần tử ủng hộ Nhà nước Hồi giáo thực hiện.

FBI chuyển hướng điều tra

Tối hôm trước, bản tin Amaq (có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo) cũng đã đưa tin hai vợ chồng hung thủ Syed Farook và Tashfeen Malik xả súng hai ngày trước ở bang California là những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo.

Vụ xả súng xảy ra tại bữa tiệc cuối năm dành cho các nhân viên trung tâm xã hội ở hạt San Bernardino. Hung thủ Syed Farook làm nhân viên môi trường cho Sở Y tế.

Thông báo của bản tin Amaq như sau: “Hai người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tấn công một trung tâm ở San Bernardino (bang California) đã nổ súng vào bên trong địa điểm này…”.

Thông báo nêu vụ tấn công ở California “xảy ra sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris (130 người chết) do các chiến binh Nhà nước Hồi giáo thực hiện và sau chiến dịch tử vì đạo tấn công đội cảnh vệ tổng thống ở Tunis (12 người chết)” cũng do Nhà nước Hồi giáo thực hiện.

Hai ngày sau vụ xả súng, FBI cũng đã chuyển hướng điều tra từ nghi vấn khủng bố sang khẳng định đây là hành vi khủng bố.

Tại cuộc họp báo ngày 4-12, đặc vụ David Bowdich ở văn phòng FBI tại Los Angeles thông báo: “Từ nay chúng tôi tiến hành điều tra về sự kiện kinh hoàng này với giả thiết đây là hành vi khủng bố. Chúng tôi đã có bằng chứng chứng minh chúng đã chuẩn bị kỹ lưỡng”.


Chân dung hai hung thủ và chiếc xe Ford chúng sử dụng trên đường đào tẩu. Ảnh: CẢNH SÁT SAN BERNARDINO

Nhà nước Hồi giáo không chỉ đạo

Các kênh truyền hình CNN và NBC (Mỹ) đưa tin nữ hung thủ Tashfeen Malik đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo. Bản tuyên thệ được phát trên một tài khoản không mang tên thật trên Facebook.

Tại cuộc họp báo, PV đã hỏi FBI về thông tin này. Đặc vụ David Bowdich trả lời: “Tôi có biết tài liệu đó… Chúng tôi đang làm rõ... Ông Mark Zuckerberg (chủ Facebook) xác nhận đó là bản tuyên thệ và được phát vào lúc vụ tấn công bắt đầu”.

CNN dẫn nguồn tin từ cảnh sát nhận định hai vợ chồng hung thủ tự biến mình thành phần tử Hồi giáo cực đoan và xả súng trong phút ngẫu hứng chứ không phải đây là kế hoạch do Nhà nước Hồi giáo chỉ đạo.

Báo New York Times dẫn lời Giám đốc FBI James Comey nêu ra nhiều chứng cứ thu thập được trong 48 giờ qua về kho vũ khí tại nhà hung thủ, chất nổ, điện thoại di động, các cuộc trò chuyện với các phần tử cực đoan ở Mỹ và có thể ở nước ngoài.

Dù vậy, ông James Comey khẳng định: “Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về hai hung thủ tham gia vào một tổ chức khủng bố nào lớn hơn hay chân rết khủng bố nào”.

FBI đã khám xét nhà của đôi vợ chồng hung thủ nhưng không tìm thấy tài liệu nào để suy ra vụ xả súng do Nhà nước Hồi giáo điều phối hay chỉ đạo.

Bà nội trợ thành kẻ khủng bố

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đôi vợ chồng bình thường sống khép kín theo kiểu truyền thống như vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik lại trở thành sát thủ.

Chính quyền Pakistan thông báo nữ sát thủ Tashfeen Malik 27 tuổi là người ở tỉnh Punjab của Pakistan. Năm hai tuổi Tashfeen Malik sang Saudi Arabia và cách đây khoảng năm, sáu năm đã về nước để theo học dược.

Nguồn tin từ chính quyền Saudi Arabia cho biết Tashfeen Malik sống bình thường, không phải là đối tượng bị theo dõi trong thời gian lưu trú tại đây.

Tại Mỹ, sau khi Tashfeen Malik theo Syed Farook nhập cảnh vào Mỹ theo diện visa K-1 (hôn phu/hôn thê), các nhân chứng cho biết Tashfeen Malik luôn mang khăn trùm đầu, không biết lái xe và là một phụ nữ nội trợ tiêu biểu chỉ biết chăm sóc đứa con sáu tháng tuổi.

Còn Syed Farook là con người nhút nhát, lịch thiệp, luôn có vẻ hạnh phúc, không có bạn thân và cũng không thuộc đối tượng bị theo dõi.

Trao đổi với AFP, giáo sĩ đền thờ Hồi giáo nơi hai vợ chồng Syed Farook thường xuyên đến cầu nguyện nhận xét hai người này không có biểu hiện gì về tư tưởng cực đoan.

Các nhân chứng đổ lỗi Syed Farook trở thành phần tử Hồi giáo cực đoan vì đã kết hôn với tên khủng bố. Syed Farook quen Tashfeen Malik trên mạng rồi sang Saudi Arabia kết hôn năm 2014 và khi trở về nước đã trở thành con người khác.

Báo New York Times ngày 5-12 đã đăng trên trang nhất một bài bình luận sắc bén kêu gọi phải kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn và ngừng cơn dịch sử dụng súng tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong gần một thế kỷ báo đăng bài bình luận trên trang nhất. Báo kêu gọi cấm bán cho dân thường một số loại súng chiến đấu và một số loại đạn. Đôi vợ chồng hung thủ Syed Farook và Tashfeen Malik đã sử dụng các loại súng được mua hợp pháp. Báo nhận định Anh, Pháp, Na Uy đều có luật kiểm soát súng chặt chẽ và chỉ trích các nhà chính trị ở Mỹ không thử kiểm soát súng, thậm chí còn khuyến khích cho bọn sát thủ tiềm năng bằng cách tạo ra thị trường vũ khí rồi các cử tri lại cho phép các nhà chính trị như thế cầm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm