Vụ kiện lạ ‘đòi được lãng quên’ trên Google

“Quyền được lãng quên” có phải là quyền có một quá khứ không hoàn hảo, hay như Google tranh cãi là nguyên đơn muốn viết lại lịch sử?

Xóa bỏ quá khứ phạm tội

Một doanh nhân người Anh đã có những động thái pháp lý yêu cầu Google xóa bỏ kết quả tìm kiếm những bài viết liên quan đến hành động phạm tội của ông trong quá khứ. Tờ The Guardian cho biết đây là vụ kiện “quyền được lãng quên” đầu tiên tại Anh.

Nguyên đơn NT1 (giấu tên vì các lý do pháp lý), vào cuối thập niên 1990, từng bị kết luận phạm tội âm mưu làm sai lệch kết quả kế toán. Ông muốn công cụ tìm kiếm Google xóa bỏ tất cả kết quả đề cập đến vụ án của mình, bao gồm cả những bài viết do báo chí phát hành. Đại diện cho ông NT1, ông Hugh Tomlinson, chủ tịch chiến dịch điều chỉnh báo chí Hacked off, nói với tòa án cấp cao của Anh rằng sự hiển thị các bài báo trên khiến thân chủ của ông “buồn và kiệt sức”.

Ông Tomlinson cho biết doanh nhân trên không phải là một nhân vật của công chúng, hiện nay đang kinh doanh trong lĩnh vực cho vay và đầu tư bất động sản. “Giờ đây, trước khi gặp một ai đó, bạn thường lên Google để tìm kiếm về họ” - ông Tomlinson phát biểu tại tòa cấp cao của Anh. Theo ông, nhiều người khi trẻ hoặc trong quá khứ đều phạm phải những sai lầm và nếu những sai lầm này “liên tục thu hút sự chú ý của người khác thì chúng sẽ tạo ra tác động tiêu cực”. Ông nhấn mạnh rằng bản án của doanh nhân NT1 đã được thực thi xong và luật pháp được thiết kế để cho phép những người phạm phải sai lầm trong quá khứ được tái hòa nhập và sống một cuộc đời bình thường. Chính vì vậy thân chủ của ông muốn được quên đi quá khứ vướng vòng lao lý.

Phán quyết năm 2014 của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu cho phép người dân các nước thành viên yêu cầu Google tháo gỡ những kết quả tìm kiếm về một thông tin trong quá khứ liên quan đến họ. Ảnh: EPA

43,3% những đề xuất tháo gỡ kết quả tìm kiếm đã được Google chấp thuận kể từ khi Tòa án Công lý của EU đưa ra phán quyết vào tháng 5-2014 đến nay. 

Tranh cãi về lợi ích xã hội

Vào năm 2014, Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết rằng những dữ liệu lỗi thời và “không liên quan” đối với một bên nào đó cần được xóa bỏ trong trường hợp họ có yêu cầu. Kể từ đó, Google đã nhận được đề nghị xóa bỏ ít nhất 2,4 triệu đường dẫn kết quả tìm kiếm. Cũng cần nói rõ rằng công ty này vẫn có quyền từ chối đề nghị nếu họ nhận thấy việc truy cập thông tin trong trường hợp này lợi ích của xã hội áp đảo quyền riêng tư cá nhân. Với lý do đó, Google đã từ chối xóa bỏ hai kết quả tìm kiếm dẫn đến các bài báo đưa tin về tội danh của doanh nhân NT1.

Tại phiên tòa ngày 27-2 vừa qua, các luật sư đại diện cho Google lập luận rằng doanh nhân người Anh nói trên đang lạm dụng quyền của mình. Luật sư Antony White cho rằng phán quyết về “quyền được lãng quên” không đồng nghĩa với quyền được “viết lại lịch sử hay điều chỉnh quá khứ sao cho phù hợp với mục đích của nguyên đơn”.

Ông White cũng tranh luận rằng hành động sai trái trong kinh doanh dẫn đến tội danh trong quá khứ của ông NT1 là rất nghiêm trọng và mang tính dài hạn nên cơ quan chức năng mới phải can thiệp. Theo ông White, nguyên đơn tự mô tả bản thân là một “doanh nhân đáng kính” với một sự nghiệp thành công qua một loạt bài blog trên mạng xã hội. Phía Google cho rằng những hành động này đã tạo nên một “hình ảnh sai lệch” và nếu nguyên đơn được “xóa bỏ” quá khứ thì ông sẽ tiếp tục “lừa dối” người khác.

Theo tờ The Guardian, phiên tòa được dự kiến kéo dài trong năm ngày. Vẫn còn một vụ kiện khác liên quan đến “quyền được lãng quên” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ được tòa cấp cao tại Anh giải quyết vào tháng tới. Nguyên đơn là một người từng bị kết tội âm mưu nghe lén vô tuyến viễn thông hơn 10 năm trước. Nếu như những nguyên đơn này giành được phần thắng pháp lý trước tòa, chắc chắn sẽ còn nhiều công dân Anh khác có những đề nghị tương tự, yêu cầu Google xóa bỏ quá khứ “đáng xấu hổ” của họ trên không gian mạng.

Những ai muốn “được quên”?

Theo báo cáo minh bạch thông tin của Google vào đầu năm 2018, công ty này đã nhận hơn 2,4 triệu đường dẫn kết quả tìm kiếm được yêu cầu xóa bỏ. Trong đó, các nước Anh, Đức và Pháp chiếm đến 51% tổng số đường dẫn URL được yêu cầu tháo gỡ.

Có 89% số yêu cầu tháo gỡ kết quả tìm kiếm đến từ các cá thể tư nhân, phi chính phủ chẳng hạn như những người nổi tiếng với 41.213 đường dẫn URL. Ngoài ra, có 33.937 đường dẫn URL được yêu cầu tháo gỡ bởi các chính trị gia và quan chức chính phủ. Đứng đầu danh sách lý do tháo gỡ là “thông tin cá nhân” với 24%. Các lý do liên quan đến quá khứ vi phạm pháp luật chiếm 8% và sai phạm về chuyên môn chiếm 7%.

Hiện nay chính phủ Pháp đang đeo đuổi một vụ kiện khác với Google tại ECJ với mong muốn mở rộng phạm vi thực hiện “quyền được lãng quên” không chỉ trong khuôn khổ châu Âu mà còn mở rộng ra toàn cầu. Tuy nhiên, phía Google lo ngại rằng việc mở rộng này sẽ tạo điều kiện để một số chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tìm kiếm thông tin của người sử dụng mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm