Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại bao nhiêu?

Ngày 2-8, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Tufenkci nói như trên với báo Hurriyet. Ông ghi nhận về trung hạn, thiệt hại kinh tế có thể còn cao hơn do ảnh hưởng đến du lịch và quan hệ ngoại thương. Nhiều hợp đồng với nước ngoài đã bị hủy.

Phần lớn trong một triệu chỗ đã đặt bị hủy do chính phủ hủy kỳ nghỉ phép của ba triệu viên chức sau đảo chính. Du lịch bị ảnh hưởng mạnh còn do các vụ tấn công khủng bố trước đó. Dù vậy Bộ trưởng Bulent Tufenkci đánh giá tỉ giá đồng lira vẫn tương đối bình ổn, các số liệu về doanh số xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế vẫn được giữ nguyên.

Trong khi đó, ngày 1-8, sau cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tại Ankara, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (ảnh), đã lên án vụ đảo chính. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau đảo chính.

Tại Đức, ngày 2-8, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bác bỏ lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này sẽ không thực hiện thỏa thuận với EU về người di cư nếu từ nay đến tháng 10 EU không mở cửa biên giới và miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời báo Rheinische Post, ngoại trưởng Đức nói giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU không cần phải ra tối hậu thư hay hăm dọa bởi cả hai đều có chung lợi ích khi đạt được thỏa thuận. Theo AFP, lý do chính EU không miễn visa cho dân Thổ vì Thổ Nhĩ Kỳ không sửa đổi luật chống khủng bố theo quy chuẩn EU. Đây là một trong 72 điều kiện EU đặt ra.

Tại Áo, Thủ tướng Christian Kern đã kêu gọi EU cứng rắn trong đàm phán về miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ông khẳng định: “Chắc chắn chúng ta cần Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ còn cần chúng ta hơn về kinh tế nếu không muốn phá sản”.

Ông chỉ trích phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng Áo và Đức cản trở kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình. Trả lời báo Osterreich, ông cho biết bản thân ông đã bị cánh hữu và cánh cực đoan trong cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Áo đe dọa lấy mạng vì ông hay chỉ trích Ankara.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm