Vỏ Trái đất ở Việt Nam không hoàn toàn bình ổn

Động đất ở Myanmar nằm trong vùng phát sinh động đất mạnh dọc biên giới Miến Điện-Vân Nam (Trung Quốc) kéo dài đến biên giới Lào-Thái. Trong vùng này có khả năng và đã phát sinh nhiều động đất mạnh, có thể tới 7,5 độ Richter.

Cũng có thể do kích động từ động đất Nhật Bản nên đã xảy ra trận động đất này, ở chỗ đã tích lũy năng lượng đầy đủ.

Động đất ở Myanmar gây chấn động ở Hà Nội tối 24-3 chứ chấn động ở Hà Nội không liên quan gì tới động đất ở Nhật Bản. Chấn động ở Hà Nội xảy ra tối 24-3 là do động đất mạnh 6,8 độ Richter ở Myanmar gây ra. Còn động đất Myanmar có thể đã xảy ra dưới tác động của động đất ở Nhật Bản.

Động đất mạnh 9 độ Richter ở Nhật Bản gây rung động mạnh toàn Trái đất, có thể kích thích xảy ra động đất ở những khu vực khác như dọc theo vành đai Thái Bình Dương, Địa Trung Hải - Hymalaya..., ở những nơi mà năng lượng đã được tích lũy đến mức tới hạn.

Vỏ Trái đất ở Việt Nam không hoàn toàn bình ổn ảnh 1

Và cũng có thể nó đã  tác động gây động đất ở Myanmar, trong vùng phát sinh động đất mạnh rìa vành đai động đất  Địa Trung Hải-Hymalaya, ở nơi mà năng lượng đã được tích lúy tới mức tới hạn. cho trận động đất 6,8 độ Richter.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, Hà Nội nằm trên hai đứt gãy sông Hồng, sông Chảy được nhận định có thể xảy ra động đất mạnh nhất tới 6,5 độ Richter.

Nếu xảy ra sẽ gây chấn động cấp 8 và mạnh hơn trên nền trung bình, còn ở Hà Nội nói chung thì chấn động sẽ là cấp 9 và mạnh hơn do ảnh hưởng của điều kiện nền đất. Chấn động như thế sẽ gây sụp đổ nhà cửa.

Tóm lại, động đất ở VN không phải là hiện tượng bất thường. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, ở khu vực phía Bắc có 2 trận động đất cấp 8-9, độ lớn M=6,7-6,8 độ Richter; hàng chục trận động đất cấp 7, M=5,1-5,5 độ Richter và hàng trăm trận động đất yếu hơn.

Từ 2007 đến nay, nhiều trận động đất có cường độ nhỏ hơn 5,5 độ Richter xảy ra ở Việt Nam: Ngày 23-6-2010 xảy ra động đất ở ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết, M=4,7 độ Richter, gây nên chấn động cấp 4 ở khu vực TP.HCM và TP Vũng Tàu.

Ngày 27-1-2011 và ngày 6-3-2011 xảy ra hai trận động đất ngoài khơi Vũng Tàu – Phan Thiết, M=4,7 độ Richter…

Các trận động đất xảy cho thấy vỏ Trái đất ở Việt Nam không hoàn toàn bình ổn.

Hà Nội cần có thiết kế chống động đất

Chiều 25-3, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phải có đánh giá toàn diện đối với nhà cửa, cầu, đập… để có biện pháp thích hợp đối với những công trình này.

Theo ông Hùng, công trình ở nơi có khả năng xảy ra động đất tới 7 MSK (đơn vị đo động đất cùng với độ Richter) mới bắt buộc phải thiết kế chống động đất. Những vùng dao động trong khoảng 5, 6 MSK thì tùy theo tầm quan trọng để có giải pháp kháng chấn; những vùng dưới mức này thì không yêu cầu. “Khi thiết kế, xây dựng nhà ở, công trình không đảm bảo kháng chấn, để xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu”, ông Hùng nhấn mạnh. Ông Hùng cũng cho biết Hà Nội rơi vào vùng động đất cấp 7 MSK, thuộc vùng cần có thiết kế kháng chấn.

GS-TS NGUYỄN ĐÌNH XUYÊN, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu

HOÀNG VÂN (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm