Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm cúm heo

Hiện WHO chưa thể khẳng định cúm heo có thể phát triển thành đại dịch không. Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM chiều 26-4, Cục trưởng Nguyễn Huy Nga (Cục Y tế dự phòng và môi trường thuộc Bộ Y tế) khẳng định: Dù có tên gọi là dịch cúm heo H1N1 nhưng chủng virus cúm này chỉ có trên người và có khả năng lây truyền từ người sang người với tốc độ rất nhanh. Ông nhấn mạnh đây là một loại virus cúm mới và không phải chủng virus lây từ heo sang người hay từ heo với heo, vì vậy người chăn nuôi không nên hoang mang.

Cục trưởng Nguyễn Huy Nga
Cục trưởng Nguyễn Huy Nga

Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cho biết đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện có bệnh nhân nhiễm virus H1N1. Tuy nhiên ngày 25-4, Cục Y tế dự phòng và môi trường vẫn ra công điện khẩn gửi chủ tịch UBND, bệnh viện, sở y tế 63 tỉnh, thành phải chuẩn bị mọi phương án để đối phó, đặc biệt trong hai ngày nghỉ 30-4 và 1-5 khi du khách đổ về các thành phố tăng mạnh.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường giám sát các ca bệnh mới với các triệu chứng giống như cúm, đặc biệt nếu bệnh nhân có các biểu hiện như sốt cao trên 39oC, ho, đau đầu, đau các khớp xương. Các biện pháp phòng bệnh cũng giống như phòng các dịch bệnh SARS, dịch cúm A/H5N1 trên người trước đây. Các cơ sở y tế phải tổ chức cán bộ trực 24/24 giờ, phải chuẩn bị đầy đủ thuốc Tamiflu và các cơ số thuốc khác.

Đối với các cửa khẩu, Bộ Y tế sẽ yêu cầu tăng cường giám sát hành khách nước ngoài (nhất là người đến từ nước đang có dịch) và khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa đối với công dân Việt Nam chuẩn bị sang các nước đang có dịch.

Tại TP.HCM, trong cuộc họp khẩn chiều 26-4 với Chi cục Thú y TP.HCM, Trung tâm Kiểm dịch quốc tế, các bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu chỉ đạo: “Trung tâm Kiểm dịch quốc tế cần kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay quốc tế, nhất là các chuyến bay đến từ hai bang California và Texas (Mỹ). Trong nước, khi phát hiện ca bệnh nghi cúm heo thì phải cách ly tại chỗ, hạn chế chuyển viện lây lan”.

Về biện pháp khẩn cấp, bác sĩ Nguyễn Văn Châu yêu cầu hệ thống điều trị và dự phòng phải bảo đảm cơ số thuốc, nhất là Tamiflu, thuốc sát khuẩn, quần áo, mũ, phòng cách ly bệnh... Bác sĩ Châu cũng đề nghị cần phải vệ sinh môi trường, đẩy mạnh công tác truyền thông về ăn chín uống sôi, rửa tay...

TỐ NHƯ - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm