Viễn cảnh rủi ro của Nhật một khi Bắc Kinh tấn công Đài Loan​

Tờ South China Morning Post ngày 28-3 dẫn lời các nhà phân tích nhận định Nhật có thể "lọt vào tầm ngắm" nếu Trung Quốc đại lục tấn công Đài Loan, vì Mỹ có nhiều căn cứ đặt tại Nhật.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và người đồng cấp của Mỹ tuần trước đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong trường hợp Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan.

Tấn công Đài Loan, Bắc Kinh nhắm đến căn cứ Mỹ 

Tuy được cho là sẽ hỗ trợ Đài Loan các phương tiện để phòng vệ, song liệu Mỹ có can thiệp quân sự trong trường hợp Đài Bắc bị Bắc Kinh tấn công hay không, điều có thể sẽ khiến xung đột Mỹ - Trung bùng nổ, hiện vẫn chưa rõ.

Máy bay Osprey tại căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật vào năm 2018. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 23-3, Đô đốc John Aquilino - người dự kiến sẽ kế nhiệm Đô đốc Philip Davidson trong vị trí chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - cho rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ tấn công Đài Loan sớm hơn so với những dự báo hiện tại.

South China Morning Post dẫn lời ông Timothy R.Heath - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại tổ chức RAND Corp (Mỹ) - nhận định: “Nếu Bắc Kinh quyết định tấn công Đài Loan, các tướng lĩnh quân đội nước này sẽ có động cơ mạnh mẽ trong việc tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trên diện rộng vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Okinawa và Nhật, vì đây là những lực lượng mạnh nhất có khả năng can thiệp và gây tổn thất nặng nề cho quân đội Trung Quốc”.

Mỹ có tổng cộng 23 căn cứ quân sự ở Nhật, trong đó có căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa, nơi được mệnh danh là "hòn đá tảng của Thái Bình Dương".

Theo tài khoản Twitter Aircraft Spots chuyên theo dõi hàng không, hầu hết các máy bay quân sự của Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát và trinh sát đều cất cánh từ căn cứ Kadena.

“Trong một cuộc xung đột như vậy, tàu và máy bay của quân đội Trung Quốc có khả năng sẽ xâm nhập vào lãnh thổ và không phận hàng hải của Nhật và Nhật cần phải chống lại các hành động này” - ông Health nhận định.

“Chiến tranh tại eo biển Đài Loan gần như chắc chắn sẽ làm gián đoạn các chuyến hàng vận chuyển tài nguyên năng lượng và thương mại đến Nhật, vốn rất quan trọng với nền kinh tế này” - ông Health nói thêm.

Nhật "lọt vào tầm ngắm"?

Theo ông Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc - cũng cho rằng các căn cứ của Mỹ ở Nhật sẽ bị Trung Quốc tấn công trực tiếp từ rất sớm trong một cuộc xung đột, điều sẽ trực tiếp kéo Tokyo vào cuộc chiến.

Ông Davis nhận định: “Tư duy của Trung Quốc về việc chống can thiệp nhấn mạnh chiến lược ‘chống tiếp cận, chống xâm nhập’, gồm việc tấn công các căn cứ của Mỹ tại Nhật”.

Thủy quân lục chiến Mỹ khởi hành trong nhiệm vụ tới căn cứ Kadena tại đảo Okinawa, Nhật hồi tháng 2. Ảnh: INDOPACOM 

“Hơn nữa, ngay cả khi lực lượng Mỹ không bố trí ở những khu vực này, rất có thể Trung Quốc sẽ tấn công sớm vào các căn cứ của Nhật nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Tokyo một cách hiệu quả” - ông Davis nói thêm.

Ông Davis cảnh báo rằng nếu Nhật bị cuốn vào một cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, trận chiến sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột lớn với sự tham gia của các nước khác như Úc.

“Rõ ràng là tất cả các bên đều có quyền lựa chọn không can thiệp vào vấn đề Đài Loan, nhưng như vậy sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một trật tự an ninh do Mỹ dẫn dắt ở châu Á, điều sẽ để lại khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấp đầy” - ông Davis nhấn mạnh.

Theo hãng thông tấn Kyodo News, từ trước đến nay, Nhật thường hạn chế thể hiện quan điểm liên quan xung đột tiềm tàng ở Đài Loan, đồng thời đưa ra lập trường là “khuyến khích đối thoại hướng đến giải pháp hòa bình cho căng thẳng xuyên eo biển”.

Điều 9 Hiến pháp Nhật, được đưa ra sau Chiến tranh thế giới thứ II, cũng nêu rõ rằng các lực lượng vũ trang nước này hoàn toàn phục vụ mục đích phòng vệ đất nước.

Trong một tuyên bố chung với Nhật hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Hành vi của Trung Quốc, vốn không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, đặt ra những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với liên minh và cộng đồng quốc tế".

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.

Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng từ khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo của hòn đảo hồi năm 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm