Vì sao năm tới Nga cùng các nước tập trận rầm rộ?

Trả lời tạp chí quân sự Krasnaya Zvezda (Nga) hôm 29-9, ông Salyukov cho hay lịch trình quốc tế của quân đội Nga trong năm tới sẽ “dày đặc” các cuộc tập trận, song ông không nêu cụ thể các nước sẽ tham gia tập trận với Nga.

Ông Salyukov chỉ ra rằng trong năm qua binh sĩ Nga đã tập trận cùng với Chile, Argentina, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Lào, Thái Lan, Myanmar và Nam Phi.

Theo tinh thần hợp tác, Moscow cũng sẽ tiếp nhận các phái đoàn quân sự cùng với các chỉ huy quân sự của Pakistan và UAE và ông Salyukov sẽ dẫn một phái đoàn tới Nhật Bản. Vào năm 2018, tư lệnh quân đội các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan và Indonesia dự kiến thăm Nga trong khi Chile, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp nhận các chỉ huy Nga.

Cuộc tập trận chung mang tên Zapad 2017 giữa Nga và Belarus ở vùng Mogilev, Belarus vừa kết thúc. Ảnh: SPUTNIK

Theo Newsweek, Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu chương trình Nga và Á Âu tại Viện Chatham (Anh), nhận định bảy cuộc tập trận trong một năm không phải là con số lớn. Con số này không bao gồm các cuộc tập trận trên bộ, trên biển và trên không trong nước Nga, đó là chưa kể đến các cuộc tập trận đột xuất.

Vị chuyên gia cho hay việc lựa chọn quốc gia mà Nga muốn hợp tác quân sự phản ánh lợi ích thương mại cũng như chính trị của quân đội Nga. Khía cạnh chiến lược ở một số cuộc tập trận có lẽ ít quan trọng hơn so với viễn cảnh về xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia mới, đồng thời để người dân Nga thấy rằng điện Kremlin có ảnh hưởng toàn cầu.

Theo ông Boulegue, ở một phương diện khác, đây là một tuyên bố chính trị liên quan tới căng thẳng ở Triều Tiên, diễn biến ở biển Đông và khu vực xung quanh. “Có sức ép quân sự đối với những thông báo này, song cũng có sức ép về chính trị và thương mại. Ví dụ quân đội Nga tập trung vào Indonesia, Lào, Thái Lan thì đó là tin đáng mừng cho tập đoàn chuyên sản xuất, quảng bá sản phẩm quốc phòng của Nga Rosoboronexport” - ông nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm