Vì sao Mỹ chọn tuần tra gần đá Vành Khăn và Subi

vi-sao-my-chon-tuan-tra-gan-da-vanh-khan-va-subi

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen. Ảnh:US Navy

Sáng 27/10, hải quân Mỹ xác nhận rằng tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Trước đó, các quan chức Mỹ cũng thông báo rằng USS Lassen sẽ tiếp tục tiến sát bãi đá ngầm Vành Khăn, cũng bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo, trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra Bảo vệ tự do hàng hải (FON) trên Biển Đông.

Các quan chức Mỹ cho hay họ không thông báo trước với phía Trung Quốc về chuyến tuần tra này, vì họ cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thông điệp mà Mỹ muốn phát đi.

"Bạn không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nào khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế", ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trong một cuộc họp báo.

Chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat nhận định rằng đây là hành động quyết liệt nhất của hải quân Mỹ từ trước tới nay nhằm thách thức và bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với những bãi đá nửa nổi nửa chìm bị biến thành đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Chuyên gia này cho biết, về bản chất, chiến dịch FON không thách thức trực tiếp chủ quyền của một thực thể cụ thể nào trên Biển Đông, và nó phù hợp với quan điểm không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền của các bên tại vùng biển này. FON được tiến hành nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển, trên không, và bác bỏ tuyên bố chủ quyền "quá đáng" của Trung Quốc tại những nơi không được thừa nhận là "lãnh hải" theo luật pháp quốc tế.

Ông Panda và nhiều chuyên gia phân tích khác cho rằng với mục đích này, việc Mỹ lựa chọn Vành Khăn và Subi để tuần tra trong khu vực 12 hải lý là một động thái rất khôn ngoan, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Theo Điều 121 của UNCLOS 1982, chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể đưa ra quy định, kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. 

Trong số các bãi đá mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp trái phép ở Trường Sa, Vành Khăn và Subi là hai thực thể ngập hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Theo quy định của UNCLOS, các thực thể này không có quyền có lãnh hải xung quanh, mà chỉ có một khu vực an toàn 500 mét. Việc mở rộng bồi đắp bất cứ thực thể nào không mang lại quy chế cho chúng theo luật quốc tế.

Xét trên phương diện pháp lý, việc tàu USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh hai bãi đá này sẽ không bị coi là đi vào "lãnh hải", và Trung Quốc sẽ không có cớ gì để vu vạ rằng Mỹ đang "có hành vi khiêu khích" hoặc "xâm phạm lãnh hải".

Chuyên gia Panda chỉ ra một điểm rất đáng chú ý trong thông báo của hải quân Mỹ về hoạt động tuần tra của tàu USS Lassen, đó là các quan chức Mỹ không đề cập đến cụm từ "đi qua vô hại". UNCLOS định nghĩa rằng "đi qua vô hại" là hành động tàu thuyền của nước khác đi qua lãnh hải của một nước mà không gây ra bất cứ mối đe dọa nào, và cũng không cần xin phép nước sở tại. Hồi tháng trước, 5 tàu chiến Trung Quốc cũng đã áp dụng tiêu chuẩn này khi đi qua vùng biển gần những hòn đảo của Mỹ ở Alaska. 

trung-quoc-tuc-gian-vi-my-australia-tinh-viec-tuan-tra-bien-dong-1

Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa:Tiến Thành

Hải quân Mỹ không sử dụng thuật ngữ "đi qua vô hại" trong chuyến tuần tra này, vì làm như vậy đồng nghĩa với sự thừa nhận trên thực tế về "lãnh hải", trái với mục đích của FON.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có phản ứng đầu tiên khi "khuyên Mỹ nên nghĩ lại trước khi hành động, chớ hành động mù quáng hay để chuyện bé xé ra to", theo Reuters.

Việc ông Vương sử dụng cụm từ "suy nghĩ lại" cho thấy Trung Quốc có thể không phản ứng hay có những hành động đáp trả quyết liệt đối với chuyến tuần tra lần này của tàu khu trục Mỹ, ông Panda nhận định. Tuy nhiên, đó được coi như một lời cảnh báo cho các chiến dịch FON trong tương lai của Mỹ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào" vi phạm cái mà họ gọi là "lãnh hải". Trên thực tế, với việc Trung Quốc không có bất cứ hành động nào để ngăn chặn hay tìm cách cản trở tàu USS Lassen cho thấy sự đuối lý của Bắc Kinh, ông Panda nhận xét.

Theo giới phân tích và các quan chức Mỹ, tàu USS Lassen đã đặt nền móng đầu tiên cho hải quân Mỹ thực hiện các chiến dịch FON trong tương lai nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. "Đây là điều sẽ diễn ra thường xuyên chứ không phải là sự kiện xảy ra một lần", một quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định.

Theo Trí Dũng (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm