Vì sao động đất mạnh ở Nhật và Ecuador?

Động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra ở Nhật hôm 16-4 chỉ cách động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Ecuador vài giờ.

Theo báo New York Times ngày 17-4 (giờ địa phương), giới khoa học khẳng định các vụ động đất ở Nhật và ở Ecuador hoàn toàn không liên quan.

• Không liên quan: Hai trận động đất ở Nhật và Ecuador cách nhau đến gần 16.000 km nên khó hình dung có bất kỳ kết nối nào.

Động đất lớn thường dẫn đến nhiều động đất khác nhưng chỉ xảy ra cùng khu vực dọc theo hay gần đứt gãy địa chất (gọi là dư chấn). Đôi khi động đất lớn có liên kết với động đất nhỏ xảy ra trước đó (gọi là tiền chấn).

Ở Nhật, các nhà địa chấn học tin rằng động đất mạnh 6 độ Richter hôm 14-4 là dấu hiệu báo trước động đất mạnh 7,3 độ Richter hôm 16-4 ở cùng khu vực.

• Không tương đồng: Động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Ecuador được xếp vào loại động đất siêu mạnh. Động đất siêu mạnh xảy ra bên rìa một mảng kiến tạo trượt dưới một mảng kiến tạo khác (gọi là đới hút chìm).

Ở Ecuador, mảng kiến tạo đại dương Nazca lớn hơn đã trượt dưới mảng kiến tạo lục địa Nam Mỹ nhẹ hơn với vận tốc 5,08 cm/năm.

Khu vực giữa hai mảng kiến tạo thường lớn nên động đất sẽ đạt cường độ mạnh nhất.

Tìm kiếm người sống sót trong động đất tại Manta (tỉnh Manabi của Ecuador). Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Tại Nhật, dù đã xảy ra nhiều động đất siêu mạnh như động đất năm 2011 nhưng động đất ngày 16-4 trên đảo Kyushu không thuộc loại này.

Cục Thăm dò địa chất Mỹ cho rằng động đất ở Nhật là do các mảng kiến tạo bị đứt gãy ngang theo hai hướng ngược nhau ở phần trên của mảng kiến tạo Á-Âu.

• Không gia tăng: Haitrận động đất mạnh hơn 7 độ Richter xảy ra cùng một ngày thì có phải động đất gia tăng hay không? Cục Thăm dò địa chất Mỹ phản bác điều này vì theo phân tích, con số trung bình động đất hằng năm đều khá phù hợp.

Đối với số động đất có cường độ giữa 7-7,9 độ Richter, một số năm xảy ra nhiều hơn 20 vụ và một số năm lại ít hơn 10 vụ. Con số trung bình theo khảo sát là khoảng 15 vụ, tức hơn một vụ mỗi tháng.

Trong khi đó tại Nhật ngày 18-4, Cục Khí tượng thông báo đã ghi nhận hơn 500 dư chấn. Báo Le Monde ghi nhận giới nghiên cứu Nhật lo ngại hiện tượng không bình thường này có thể là dấu hiệu của phản ứng động đất dây chuyền.

Động đất đầu tiên xảy ra hôm 14-4 ở tỉnh Kumamoto. Động đất thứ hai xảy ra hai ngày sau tại tỉnh Oita cách Kumamoto 100 km.

Tâm chấn động đất đầu tiên ở phần phía bắc đứt gãy Hinagu. Phần này giáp với đứt gãy Futagawa. 

Nhà nghiên cứu Hiroshi Sato ở Viện Nghiên cứu động đất (ĐH Tokyo) ghi nhận tại phần phía bắc đứt gãy Hinagu đã xảy ra hiện tượng nứt vỡ dẫn đến nứt vỡ ở đứt gãy Futagawa, từ đó phát sinh động đất mạnh ngày 16-4.

Hai đứt gãy Hinagu và Futagawa liên quan đến đường kiến tạo giữa của Nhật chạy dài từ đảo Kyushu qua đảo Shikoku đến tỉnh Nagano. Do đó, các nhà địa chất Nhật lo ngại sắp tới hoạt động động đất dọc đường kiến tạo giữa này rồi sẽ gia tăng.

• Ecuador: Đã có 272 người chết và hơn 2.000 người bị thương trong động đất. Dự báo số người chết sẽ còn cao hơn. Hơn 200 dư chấn được ghi nhận. Tổng thống Rafael Correa công bố chi khẩn cấp 600 triệu USD. 10.000 binh sĩ, 4.600 cảnh sát và 241 y, bác sĩ đã được điều động. EU, Mỹ, Colombia, Mexico, Chile và Tây Ban Nha đã thông báo giúp đỡ Ecuador.

• Nhật: Báo Japan Times đưa tin đến ngày 18-4 có 42 người chết, chín người mất tích và 1.100 người bị thương trong động đất. 104.900 người còn sơ tán. Tình trạng thiếu thực phẩm cứu trợ đã xảy ra ở tỉnh Kumamoto. Quân đội Mỹ đã điều bốn trực thăng MV-22 Ospreys ở căn cứ Okinawa chở 20 tấn hàng cứu trợ cho Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo tiếp tục tìm kiếm người sống sót.

__________________________________

2 động đất siêu mạnh từng đo được là động đất 9,2 độ ở Alaska năm 1964 và động đất mạnh 9,5 độ ở ven biển Chile năm 1960.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm