Venezuela: Căng thẳng trước thềm bầu cử

Hàng triệu người Venezuela đã xuống đường nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro hủy bỏ cuộc bầu cử hội đồng chỉnh sửa hiến pháp.

Bạo lực nổ ra

Hãng tin Reuters cho biết đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tính đến ngày 21-7 đã khiến ít nhất ba người thiệt mạng và hơn 300 người bị bắt giữ. Dù cho rằng lượng người tham gia xuống đường không đáng kể, Tổng thống Maduro vẫn tuyên bố sẽ bắt giữ các lãnh đạo của cuộc biểu tình.

Người biểu tình đã dùng đồ vật chặn nhiều con đường tại thủ đô Caracas và những TP khác. Tại nhiều TP, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Tuy nhiên, tại các khu vực ủng hộ chính phủ ở TP Caracas, cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ, cửa hiệu vẫn mở và đường phố vẫn tấp nập.

Phe đối lập đang nỗ lực đẩy mạnh các cuộc tuần hành trong những ngày cận bầu cử, bao gồm một cuộc biểu tình kéo dài suốt 24 giờ ngày 20-7 và một cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn vào ngày 22-7.

Người biểu tình và cảnh sát đụng độ nhau tại nhiều thành phố của Venezuela. Ảnh: AFP

Caracas không đổi kế hoạch

Cuộc đình công lần này có sự ủng hộ của nhiều tổ chức thương mại, công nghiệp, các công đoàn, sinh viên và ngành giao thông. Tổng thống Manduro đã chỉ trích một số thành phần kinh tế đất nước đang kích động một “cuộc chiến kinh tế” chống lại chính phủ, theo tờ Le Monde.

Tổng thống Maduro cũng cứng rắn bác bỏ những lời kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu cử hội đồng chỉnh sửa hiến pháp, dự kiến tổ chức vào ngày 30-7 sắp tới. Ông khẳng định đây là con đường duy nhất để bảo vệ nền hòa bình tại Venezuela. Trong một tuyên bố được phát đi trên truyền hình, ông Maduro đã “ra lệnh bắt giữ mọi thành phần khủng bố phát xít”.

Trong tình trạng phe đối lập kiểm soát Quốc hội như hiện nay, hội đồng này sẽ giúp ông Maduro thực hiện mục tiêu sửa đổi hiến pháp. Các chính trị gia đối lập cáo buộc tổng thống lợi dụng cuộc bầu cử hội đồng để mở rộng quyền lực, trong khi ông Maduro cho rằng hiến pháp mới sẽ thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm giải pháp chấm dứt chia rẽ.

Trừng phạt không giúp ích gì

Với tình hình căng thẳng tại Venezuela hiện nay, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại Mỹ cần tính toán kỹ lưỡng cách tiếp cận chính phủ Caracas. Ông Mark Weisbrot, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Mỹ), đánh giá rằng Venezuela hiện cần một sự đối thoại chứ không phải một chiến lược can thiệp từ Mỹ.

Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Venezuela Charles Shapiro thì bày tỏ lo ngại rằng nếu Mỹ không tính toán kỹ lưỡng các lệnh trừng phạt thì sẽ khiến tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo ông, nếu ông Maduro bị khiêu khích và thêm cứng rắn sẽ không còn cơ hội thuyết phục chính phủ Caracas hủy bỏ cuộc bầu cử ngày 30-7 sắp tới.

Trả lời hãng tin Bloomberg về khả năng Mỹ ra lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela, ông Shapiro đánh giá đây là một biện pháp không khả thi và thậm chí có hại cho Mỹ. Theo ông, các công ty Mỹ mỗi ngày nhập khẩu gần 790.000 thùng dầu từ Venezuela. Việc tìm kiếm nguồn dầu thay thế sẽ vô cùng nan giải. Theo ông Shapiro, các lệnh cấm vận của Mỹ cần nhắm vào các thành viên chính phủ Caracas, vì những lệnh trừng phạt áp đặt lên cả một quốc gia thường tốn quá nhiều thời gian để có tác dụng và bên chịu thiệt nhiều nhất là người dân.

Trong một diễn biến khác, viên chức ngoại giao cấp cao của Venezuela tại LHQ Isaias Medina ngày 21-7 đã từ chức với lý do bất đồng với các chính sách của Caracas. Trong khi đó, đại sứ Venezuela tại LHQ Rafael Ramirez lại ra thông báo sa thải ông Medina vì đã hành động “thiếu trung thực”.

_____________________________

85% là tỉ lệ dân số cả nước đã tham gia xuống đường biểu tình chống chính phủ Tổng thống Maduro trong cuộc đình công 24 giờ vừa qua, theo khẳng định của phe đối lập. Chính phủ Caracas đã bác bỏ con số này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm