Vấn đề biển Đông tại hội nghị G20

Chiều 4-9, hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc tại Hàng Châu (miền đông Trung Quốc).

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước G20 thúc đẩy kinh tế thế giới đạt đến tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, quân bình và dành cho mọi người. Ông đã đưa ra năm đề nghị nhằm củng cố tăng trưởng kinh tế
thế giới.

Úc quan tâm đến biển Đông

Trước khi hội nghị G20 khai mạc, vấn đề tranh chấp biển Đông đã được đề cập đến trong các cuộc hội đàm bên lề.

Sáng 4-9, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Úc cần phải tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài một môi trường bình đẳng, minh bạch và tiên liệu được về chính trị.

Trước đó, Úc đã bác gói thầu trị giá 10 tỉ đôla Úc (7,67 tỉ USD) của hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc muốn mua công ty phân phối điện của Úc.

Báo The Australian (Úc) ghi nhận đây là cuộc hội đàm kín nhưng nội dung nêu trên lại được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố trong cuộc họp báo. Điều này chứng tỏ thái độ thất vọng của Trung Quốc lớn đến mức nào.

Trong cuộc hội đàm kéo dài 20 phút, Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng gây sức ép yêu cầu Trung Quốc cải cách kinh tế hơn nữa bởi lẽ các doanh nghiệp Úc cũng vấp phải nhiều hạn chế trong hoạt động và đầu tư.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Malcolm Turnbull giải thích: “Trung Quốc phải hiểu hơn bất kỳ ai về quyền chủ quyền của Úc trong việc xác định ai được đầu tư vào Úc và họ đầu tư trong các điều kiện nào”.

Qua hội đàm, Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng đã tiếp tục bày tỏ mối quan tâm của Úc về hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.

Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng duy trì trật tự phải dựa trên các nguyên tắc. Các xung đột hay tranh chấp về lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và chúng tôi chờ đợi các bên thể hiện bằng chứng kiềm chế và không làm gia tăng căng thẳng”.

Tiệc trà giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Obama vào tối 3-9. Ảnh: NEWS CHINA

Mỹ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế

Trước đó, báo chí Trung Quốc đưa tin trong buổi tiệc trà với Tổng thống Obama vào tối 3-9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ các chỉ trích của Tổng thống Obama về chính sách của Trung Quốc ở biển Đông.

Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu Mỹ “giữ vai trò xây dựng” trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải.

Tập đoàn truyền thông SBS (Úc) đưa tin tại cuộc hội đàm kéo dài bốn tiếng với ông Tập, Tổng thống Obama đã kêu gọi ông Tập tôn trọng các nguyên tắc quốc tế trong tranh chấp ở biển Đông.

Ông đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng những ràng buộc liên quan đến Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Song song theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Obama trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình CNN (Mỹ ngày 4-9).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ không có quyền nêu lên “các lưu ý vô trách nhiệm” về biển Đông bởi lẽ Mỹ chưa ký kết UNCLOS.

Nói với CNN, ông Obama cho biết: “Chúng tôi đã nói với họ rằng hành động ở đó sẽ có hậu quả”. Ông giải thích ông đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng phải kiềm chế.

Nhật sẽ kêu gọi tôn trọng luật pháp

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 4-9 dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ trong cuộc họp tham vấn trước hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bên lề hội nghị G20, phía Trung Quốc nói Trung Quốc không muốn các vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông được thảo luận quá phân nửa thời gian hội đàm 30 phút.

Phía Trung Quốc cho rằng chủ đề chính của hội nghị G20 là kinh tế toàn cầu nên vấn đề biển Đông chỉ được thảo luận giữa các bên liên quan, vậy nên Tokyo đừng đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra hội nghị G20.

Phía Trung Quốc yêu cầu Nhật không đưa ra các lưu ý chỉ trích Trung Quốc, các bên không tranh chấp như Mỹ và Nhật tránh các vấn đề liên quan đến biển Đông vì là “người ngoài” và lập luận cho rằng nguyên tắc luật pháp là chân lý tối thượng sẽ không được chấp nhận.

Nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết Nhật đề nghị hai ông Tập Cận Bình và Shinzo Abe gặp nhau ngày 4-9. Tuy nhiên, Trung Quốc đề nghị gặp ngày 5-9 vì muốn xem thủ tướng Nhật phát biểu thế nào trong hội nghị G20.

Trong hội đàm, ông Shinzo Abe sẽ kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh quan điểm về quần đảo Senkaku, tôn trọng phán quyết trọng tài, tôn trọng tầm quan trọng của luật pháp trong tranh chấp ở biển Đông.

Ông sẽ thiên về các kết quả cụ thể như đề nghị thực hiện sớm Cơ chế Thông tin về hàng hải và hàng không giữa các Bộ Quốc phòng hai nước nhằm giảm nguy cơ đối đầu trên biển.

 

Tuyên bố chủ tịch về biển Đông

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 4-9 dẫn một nguồn tin từ ASEAN cho biết sau hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào vào tuần này, tuyên bố chủ tịch được công bố sẽ không nói đến phán quyết của Tòa Trọng tài. Nguồn tin cho biết tuyên bố chủ tịch chỉ dừng lại ở mức lặp lại quan ngại về diễn biến biển Đông nhưng không nhắc đến tên Trung Quốc.

Dự thảo tuyên bố chủ tịch nêu: “Chúng tôi cực kỳ quan tâm đến những diễn biến mới đây và đang xảy ra và ghi nhận các mối quan tâm của một số nhà lãnh đạo về hoạt động cải tạo đất và leo thang hoạt động trong khu vực”. Tuyên bố cũng nêu tầm quan trọng của phi quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, bao gồm tôn tạo đất ở biển Đông.

Nguồn tin cho biết một tuyên bố riêng về thực hiện Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển ở biển Đông sẽ được công bố sau hội nghị ASEAN-Trung Quốc.

_______________________________

Tổng thống đã tiếp tục khẳng định Mỹ sẽ làm việc với các nước trong khu vực về tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không… Tổng thống khẳng định về cam kết không gì lay chuyển của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực (như Nhật) về các hiệp ước của Mỹ.

Thông báo của Nhà Trắng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm