Vaccine Pfizer, AstraZeneca có hiệu quả cao đối với biến chủng Delta

Một nghiên cứu mới cho thấy hai mũi vaccine COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech hoặc hai liều AstraZeneca đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, hãng tin Reuters đưa tin.

Nghiên cứu mới này được công bố trên Tạp chí Y học của New England vào ngày 21-7, xác nhận tuyên bố của Bộ Y tế Công cộng Anh đưa ra hồi tháng 5 về việc vaccine COVID-19 do Pfizer/BioNTech và AstraZeneca sản xuất có hiệu quả cao trước biến chủng Delta.

Nghiên cứu cho thấy rằng hai liều của vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng do nhiễm biến chủng Delta. Hiệu quả của vaccie này đối với biến chủng Alpha là 93,7%.

Lọ vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech (trái) và của AstraZeneca. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca có hiệu quả 67% đối với biến chủng Delta, so với tỉ lệ 74,5% đối với biến chủng Alpha. 

Các nhà khoa học của Bộ Y tế Công cộng Anh cho biết sự khác biệt về hiệu quả đối với biến chủng Delta so với biến chủng Alpha sau khi tiêm hai liều vaccine là rất nhỏ.

Trước đây, Bộ Y tế Công cộng Anh đã nói rằng mũi tiêm đầu tiên của một trong hai loại vaccine này có hiệu quả khoảng 33% trong việc ngăn chặn các ca bệnh có triệu chứng do nhiễm biến chủng Delta. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy một liều của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 36% và một liều của AstraZeneca có hiệu quả khoảng 30%.

“Phát hiện của chúng tôi về việc vaccine giảm hiệu quả sau liều đầu tiên sẽ thúc đẩy nỗ lực tối đa hóa việc triển khai tiêm đủ hai liều vaccine trong các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong bối cảnh biến chủng Delta đang thống trị như hiện nay” - các nhà khoa học cho biết.

Theo hãng tin AFP, ngày 21-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành chủng trội những tháng tới. Trong bốn tuần tính đến ngày 20-7, tỷ lệ mắc bệnh do nhiễm biến chủng Delta đã vượt quá 75% ở một số quốc gia. Hiện, biến chủng này đã xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới

Theo WHO, tính đến ngày 18-7, có 3,4 triệu ca nhiễm COVID-19 mới theo tuần được ghi nhận trên toàn thế giới, tăng 12% so với tuần trước. WHO cho rằng với tốc độ này, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới có thể vượt quá 200 triệu ca trong vòng ba tuần tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm