Ứng xử với Omicron, siết ngay hay chờ?

Nam Phi thông báo phát hiện biến thể Omicron vào ngày 24-11. Hai ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt Omicron vào nhóm biến thể đáng lo ngại trong bối cảnh nó lan ra nhiều nước ở nhiều châu lục khác. Tính đến thời điểm này, Omicron đã có mặt ở khoảng nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới.

WHO cho biết đang phối hợp chặt với các nhà khoa học nghiên cứu để có đánh giá chính xác về các đặc tính của Omicron: Khả năng lây lan, độc lực, nguy cơ kháng các loại vaccine hiện tại hay hội đủ cả ba đặc tính này, bên cạnh đó là hiệu quả của các phác đồ điều trị hiện tại. Theo WHO và các nhà khoa học thì phải tầm 1-2 tháng mới trả lời được các câu hỏi này.

57

 quốc gia đã có ca nhiễm biến thể Omicron, WHO thông báo ngày 8-12. Theo đánh giá của WHO, số người nhập viện vì Omicron đang có chiều hướng tăng lên. 

Cần tỉnh táo trong “giai đoạn cửa sổ”

Thời gian các nhà khoa học chạy đua nghiên cứu xác định các đặc tính của Omicron cũng được xem là “giai đoạn cửa sổ”, mà các nhà làm chính sách ở các nước phải tỉnh táo ra các biện pháp đúng để vừa kiểm soát tốt biến thể này, vừa không gây thiệt hại nhiều đến nhân mạng, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, điều này không dễ khi mọi thứ chưa rõ ràng. Trong bối cảnh này, không dễ đo lường chính xác mức độ rủi ro. Và điều này gây khó cho các nhà làm chính sách.

Siết quá mà sau đó thông tin đặc tính của Omicron không quá nghiêm trọng là đã chịu thiệt hại không cần thiết. Ngay sau khi Omicron bị phát hiện, để phòng ngừa, hàng loạt nước đã nhanh chóng siết đi lại với Nam Phi và nhiều nước châu Phi, đồng thời áp thêm nhiều biện pháp y tế công cộng. Các biện pháp này có thể giúp tối thiểu hóa tác hại của Omicron nhưng đi cùng chúng là một mức độ thiệt hại hữu hình. Cách làm này cũng có thể bị chỉ trích là vội vàng, thiếu dữ liệu khoa học rõ ràng và đặc biệt một khi kết luận nghiên cứu cho thấy Omicron không quá nghiêm trọng như lo ngại ban đầu thì càng bị cho là không cần thiết.

Các nhà khoa học đang chuẩn bị giải trình tự gen các mẫu biến thể Omicron, tại Trung tâm nghiên cứu Mdlovu ở TP Elandsdoorn thuộc tỉnh Limpopo
(Nam Phi) ngày 8-12. Ảnh: AP

Ngược lại, nếu chủ quan theo các thông tin ban đầu là chưa chắc Omicron nghiêm trọng mà sau đó thực tế cho thấy ngược lại thì sẽ trở tay không kịp. Hay nói cách khác là chờ đến khi có kết luận rõ ràng thì có thể đã quá trễ.

Phần mình, WHO khuyến cáo các nước không hành xử thái quá mà nên có cách tiếp cận dựa trên phân tích rủi ro và thông tin khoa học. Tuy nhiên, trong một bài viết trên trang The Coversation, GS Dominic Wilkinson, Giám đốc về bộ phận Đạo đức y khoa tại ĐH Oxford (Anh) và TS Jonathan Pugh, nhà nghiên cứu cấp cao về triết học đạo đức ứng dụng tại ĐH Oxford, cho rằng đề xuất của WHO có vấn đề, đó là các hiểu biết về khoa học hiện tại còn hạn chế.

Chưa chắc chắn không phải không làm gì

Trong bài viết trên báo Financial Times, TS vật lý - nhà báo Anjana Ahuja cho rằng chuyện chưa chắc chắn về Omicron không phải là lý do để không làm gì. Thực tế, không phải đợi đến lúc Omicron xuất hiện mà trong suốt đại dịch, các nhà làm chính sách đã luôn phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để ra quyết định khi chưa có thông tin chắc chắn về một biến thể của virus.

GS Wilkinson và TS Pugh cũng đồng tình rằng nếu quan tâm đến việc bảo vệ sinh mạng và duy trì niềm tin vào các thể chế hoạch định chính sách về dài hạn, thì tốt hơn các nhà quản lý nên hành động ngay bây giờ.

Theo các chuyên gia, thế giới đã trải qua thời gian đại dịch đủ dài để học được kinh nghiệm từ các lỗi chính sách trước đó. Giải pháp theo nhiều chuyên gia là theo sát diễn biến, thông tin để ra từng bước kiểm soát phù hợp, không chủ quan mà phải tăng chuẩn bị: Phủ vaccine, tăng năng lực y tế, tuyên truyền dân cẩn thận.

Theo đó, điều các nước cần chú ý đến là gấp rút mở rộng và đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng. Đây cũng là tầm nhìn của ông Ugur Sahin - nhà sáng lập Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), nơi phát triển vaccine COVID-19 của Pfizer. Ông giải thích rằng thậm chí nếu Omicron loại bỏ các kháng thể không phù hợp và tiếp tục lây vào các tế bào thì một tuyến phòng thủ riêng biệt, là miễn dịch tế bào, sẽ ngăn ngừa bệnh trở nặng.

Bên cạnh đó, để bảo vệ hệ thống y tế khỏi nguy cơ quá tải vì Omicron, có thể cần phải áp dụng các chính sách hạn chế nghiêm ngặt hơn và rộng hơn, không chỉ như đeo khẩu trang và siết đi lại.•

Còn quá sớm để nói chắc về mức độ nguy hiểm

Các thông tin ban đầu rằng người nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ phần nào trấn an mọi người rằng biến thể mới này không nghiêm trọng bằng các biến thể trước và virus sẽ dần ít nguy hiểm hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng ngay cả khi Omicron đã tiến hóa theo hướng này thì điều đó không nhất thiết có nghĩa nó sẽ ít gây chết người hơn, vì vậy không nên coi nhẹ cho đến khi có thông tin chính xác về Omicron.

Với những trường hợp nghiêm trọng, thời gian từ khi một người nhiễm tới khi chết có thể mất vài tuần, có nghĩa là virus có nhiều thời gian để nhân rộng và lây lan. Tuy nhiên, cơ chế này lại không đúng với Omicron, theo GS Nigel McMillan - đồng Giám đốc Trung tâm y học tế bào và Gen Griffith thuộc ĐH Griffith (Úc). Cụ thể theo ông, “điều bất thường là virus này thực hiện hầu hết quá trình sao chép của nó trước khi người nhiễm có triệu chứng”, vì vậy “ý tưởng Omicron gây bệnh nhẹ chưa được chứng minh và còn quá sớm để nói chắc”. Theo GS McMillan, câu người ta hay nói với nhau mấy ngày nay rằng Omicron lây lan nhanh hơn nhưng độc lực nhẹ hơn là không đúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm