Ứng viên ngoại trưởng Mỹ là giám đốc công ty dầu ở Nga

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 19-12, ông Rex Tillerson, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, và mới đây được bầu chọn là ứng viên ngoại trưởng Mỹ dưới thời Trump.

Một tài liệu bị rò rỉ mới đây cho thấy kể từ năm 1998, ông Tillerson còn là giám đốc của Công ty Exxon Neftegas, một công ty con của ExxonMobil, chuyên điều hành các dự án dầu khí ở Nga.

Cái tên của ông RW Tillerson xuất hiện bên cạnh các quan chức khác ở Houston (Mỹ), Texas (Mỹ), Moscow và Sakhalin thuộc vùng viễn đông của Nga.

ông Tillerson

Ông Rex Tillerson, ứng viên chức ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP

Tài liệu bị rò rỉ trên có từ năm 2001, đến từ một công ty đăng ký tại thiên đường trốn thuế Bahamas. Thông tin trên là một trong 1,3 triệu tệp tin được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờSüddeutsche Zeitung của Đức.

Tờ SCMP bình luận thông tin này làm dấy lên thêm hoài nghi về mối quan hệ giữa ông Tillerson và Nga trước phiên điều trần của Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Những người không ủng hộ ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng ông này có mối quan hệ quá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này có thể dẫn đến xung đột lợi ích.

ExxonMobil là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và có một thời gian dài hướng tầm nhìn đến các mỏ dầu khí khổng lồ của Nga. Ông Tillerson hiện đang có cổ phiếu trong “gã khổng lồ” dầu khí này trị giá hơn 200 triệu USD.

Năm 2013, Tổng thống Putin đã trao tặng cho ông Tillerson huân chương Hữu nghị Nga (Russian Order of Friendship). Ông Tillerson được trao huân chương sau khi ExxonMobil và Rosneft đạt được thỏa thuận khai thác mỏ dầu ở vùng biển Kara, nước Nga vào năm 2011.

ông Tillerson

Ông Rex Tillerson và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: TASS

Ông trùm dầu khí này cũng có quan hệ gần gũi với các quan chức khác của Nga như Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và được xem là nhân vật quyền lực thứ hai không chính thức tại điện Kremlin.

Tuy nhiên, đến năm 2014, thương vụ trên bị gián đoạn do Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt lệnh trừng phạt mở rộng nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc can thiệp miền đông Ukraine.

Exxon lúc đó buộc phải ngưng khai thác dầu cùng với Rosneft. Khi đó, ông Tillerson đã chỉ trích chính sách của chính phủ Mỹ nhằm vào Nga. Phát biểu tại một cuộc họp thường niên của Exxon vào năm 2014, ứng viên ngoại trưởng Mỹ nói “chúng tôi không ủng hộ lệnh trừng phạt”.

Giới đầu tư đồn đoán rằng chính quyền mới của ông Trump sẽ tháo gỡ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Điều này cho phép thương vụ liên doanh biển Kara được nối lại, nâng cao giá trị cổ phiếu của Exxon và đem đến một mức lợi nhuận khổng lồ với hàng chục tỉ USD.

Kể từ khi ông Tillerson được chọn là ứng viên ngoại trưởng Mỹ, mối quan hệ thân thiết giữa ông và Nga là một trong những mối lo ngại của cả hai đảng.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã bày tỏ hoài nghi về việc ông Tillerson thiếu kinh nghiệm trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho hay ông “cực kỳ quan ngại” về việc đề cử ông Tillerson vào chức vụ ngoại trưởng. Rubio ca ngợi ông Tillerson là một “doanh nhân tuyệt vời” nhưng để là ngoại trưởng của Mỹ “phải là người nhìn nhận các vấn đề thế giới bằng sự công tâm và minh bạch về lợi ích của Mỹ”.

Ông Tillerson có khả năng thôi làm việc tại Exxon nếu ông chính thức được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm