Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc chọn người thay thế bà Park Geun-hye sẽ diễn ra vào ngày 9-5 tới. Ông Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ đang được xem là ứng viên hàng đầu, khả năng lớn sẽ thành tổng thống tiếp theo của nước này. Các chiến lược và nỗ lực của chính phủ Mỹ trong kiềm chế Triều Tiên có nguy cơ sẽ gặp rắc rối khi ông Moon có nhiều quan điểm trái ngược, theo những gì ông Moon nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Washington Post mới đây.

Triển khai THAAD "đi ngược dân chủ"

Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại một nhà hàng Hàn Quốc sau khi ông Moon tham gia một cuộc vận động tối ở Seongnam, phía nam Seoul. “Tôi không cho rằng Mỹ có ý định ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng tôi, nhưng tôi quả thật có một số e dè” – ông Moon nói.

Chẳng những phản đối để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, ông Moon còn lo ngại Mỹ sẽ can thiệp, phá hỏng tiến trình dân chủ của Hàn Quốc.

Ông Moon tuyên bố sẽ xem xét lại thỏa thuận triển khai hệ thống THAAD. Theo thỏa thuận, ban đầu hai nước thống nhất sẽ triển khai hệ thống THAAD vào cuối năm nay. Nhưng Mỹ đã đẩy nhanh tiến độ, với lý do Triều Tiên ngày càng có nhiều hành động hiếu chiến. Các bộ phận hệ thống THAAD đã được đưa về địa điểm triển khai từ tuần trước và hệ thống này đã được kích hoạt ngày 1-5. Điều này gây ra chỉ trích lớn ở Hàn Quốc, rằng Mỹ cố tình làm thế để gây khó khăn cho nỗ lực hủy bỏ thỏa thuận của ông Moon.

Ứng viên tổng thống hàng đầu Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ chuẩn bị tranh luận trên tuyền hình ngày 2-5. Ảnh: BLOOMBERG

Ứng viên tổng thống hàng đầu Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ chuẩn bị tranh luận trên tuyền hình ngày 2-5. Ảnh: BLOOMBERG

Theo lời khẳng định của hai chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, hệ thống THAAD được thiết kế bắn hạ tên lửa Triều Tiên, tuy nhiên rất nhiều người Hàn Quốc lo sợ càng khiến nước này trở thành mục tiêu hơn.

“Quả là không thích hợp khi chính phủ Hàn Quốc vội vàng triển khai hệ thống THAAD vào thời điểm nhạy cảm chính trị này, lúc cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, lại không hề thông qua tiến trình dân chủ, đánh giá môi trường hay lấy ý kiến người dân” – ông Moon nói. “Liệu điều này có thể xảy ra ở Mỹ hay không? Liệu chính phủ có đơn phương ra quyết định mà không qua các thủ tục đảm bảo dân chủ, không có sự thông qua hay thỏa thuận của Quốc hội?” – ông Moon đặt câu hỏi.

Quân đội Mỹ tại Triều Tiên nói quá trình triển khai diễn ra khớp với kế hoạch hai nước đề ra. Tuy nhiên ông Moon cảnh báo hành động của Mỹ sẽ hủy hoại niềm tin của Hàn Quốc vào Mỹ, cũng như làm phức tạp liên minh an ninh hai nước. “Nếu Hàn Quốc có thêm thời gian để cân nhắc vấn đề một cách dân chủ, Mỹ sẽ có thêm niềm tin từ dân Hàn, và liên minh hai nước sẽ mạnh hơn” – theo ông Moon.

Dân Hàn Quốc biểu tình phản đối triển khai hệ thống tên lửa THAAD trước trụ sở Bộ Quốc phòng ở Seoul ngày 13-6-2016, thời điểm Mỹ và Hàn Quốc mới đạt thỏa thuận về hệ thống THAAD. Ảnh: GETTY IMAGES

Dân Hàn Quốc biểu tình phản đối triển khai hệ thống tên lửa THAAD trước trụ sở Bộ Quốc phòng ở Seoul ngày 13-6-2016, thời điểm Mỹ và Hàn Quốc mới đạt thỏa thuận về hệ thống THAAD. Ảnh: GETTY IMAGES

Phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước rằng sẽ bắt Hàn Quốc chi trả khoảng 1 tỷ USD cho hệ thống THAAD càng làm dân Hàn thêm tức giận cũng như làm mạnh thêm khả năng chiến thắng bầu cử của ông Moon.

Vị thế của Hàn Quốc

Trả lời phỏng vấn, ông Moon cho biết vẫn đánh giá cao vai trò quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn trong an ninh ngoại giao và quốc gia Hàn Quốc, mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên quan điểm về Triều Tiên của ông Moon không giống bà Park hay ông Trump. Ông Moon muốn mở lại khu công nghiệp chung liên Triều, muốn quân đội Hàn Quốc nắm quyền kiểm soát liên minh Mỹ-Hàn một khi xảy ra chiến tranh với Triều Tiên.

 “Tôi thấy chuyện Hàn Quốc ngồi ghế sau và nhìn hai nước Mỹ, Trung Quốc bàn về Triều Tiên là không thích hợp” – theo ông Moon. Nói cách khác, ông Moon muốn Hàn Quốc giữ vai trò dẫn đầu trong chuyện bán đảo Triều Tiên.

Ông Moon năm nay 64 tuổi, là một luật sư về nhân quyền, từng là Chánh Văn phòng tổng thống thời Tổng thống Roh Moo-hyun, cho biết sẵn sàng sang Triều Tiên nói chuyện về giải giáp hạt nhân. “Tôi có thể ngồi xuống với ông Kim Jong-un khi các điều kiện giải quyết vấn đề hạt nhân đã được đảm bảo”

Dù sao ông Moon cũng trùng một quan điểm với chính phủ Mỹ, rằng sự “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên là một thất bại. Ông Moon đồng ý phương án của ông Trump là tăng trừng phạt và áp lực buộc Triều Tiên quay lại đàm phán. Dễ dàng nhận ra điều mâu thuẫn ở đây, các bên đều khẳng định sự “kiên nhẫn chiến lược” đã thất bại, đã kết thúc, tuy nhiên chiến lược mới của Mỹ thực chất cũng là một sự “kiên nhẫn chiến lược”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm