Tướng Philippines: Manila tính đến việc xây dựng ở Biển Đông

Tờ Manila Bulletin dẫn lời Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) - tướng Cirilito Sobejana - ngày 22-4 cho biết AFP đang nhắm đến việc xây dựng các công trình tại Biển Đông, một cách nhằm “khẳng định chủ quyền” tại các khu vực Biển Đông nơi các tàu Trung Quốc đang tập trung hiện diện.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 22-4, ông Sobejana cho biết việc “xây dựng các cấu trúc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines” là một trong những chiến lược mà AFP đã thực hiện nhằm “tăng cường vị thế của Philippines tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt là trong việc bảo vệ các ngư dân Philippines được cho là đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi”.

Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) - tướng Cirilito Sobejana. Ảnh: RAPPLER

“Chúng tôi cũng đang cân nhắc ý tưởng xây dựng các cấu trúc trong khu vực (Biển Đông) như Trung Quốc đã và đang làm. Lý do tại sao chúng tôi không xây dựng là vì trước đó đã có một thỏa thuận liên quan việc không xây dựng các cấu trúc mới” – ông Sobejana nói.

“Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Trung Quốc xâm phạm nên chúng tôi cần phải bắt đầu xây dựng từ bây giờ, và một lần nữa, điều này phải được Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) xem xét” – ông Sobejana nói thêm. Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi phía đông Biển Đông.

Manila Bulletin dẫn lời các chuyên gia cho biết Trung Quốc bắt đầu xây dựng (phi pháp) các công trình ở Biển Đông sau vụ phun trào núi lửa Pinatubo (năm 1991), cũng như sau khi hải quân Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân trên Vịnh Subic vào năm 1992. Trung Quốc cũng tăng tốc xây dựng (trái phép) các cơ sở vật chất khác nhau vào giữa năm 2010.

Về phía Philippines, nước này đã xây dựng (phi pháp) các công trình tại đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), cũng như hồi năm 1999 đã cho tàu BRP Sierra Madre ủi thẳng vào bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị quân đội Philippines kiểm soát) nhằm thiết lập sự hiện diện tại khu vực này. Từ đó đến nay, chiếc tàu chiến này vẫn là căn cứ đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines.

Ngoài ra, ông Sobejana cũng thừa nhận những hạn chế của AFP trong việc “khẳng định chủ quyền của Philippines ở Biển Đông”, Manila Bulletin đưa tin.

Tuy nhiên, ông Sobejana nhấn mạnh rằng bất chấp những hạn chế như vậy, AFP đã và đang làm tất cả những gì có thể để không chỉ bảo vệ ngư dân Philippines mà còn đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục các hoạt động đánh bắt của mình.

“Chúng tôi đang đề phòng hàng loạt tàu cá và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, vì ngay cả khi chúng tôi không thể xua đuổi họ vì những hạn chế của mình, chúng tôi muốn đảm bảo rằng các ngư dân sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm và để đảm bảo rằng chương trình bảo vệ hàng hải của chúng tôi không bị vi phạm” - ông Sobejana nói.

Tuy nhiên, ông Sobejana cho biết AFP cũng đang sử dụng triệt để các biện pháp khác nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông theo con đường ngoại giao và hòa bình.       

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thời gian qua là tâm điểm của dư luận nước này khi bị cho là đã im lặng và có tâm lý “cúi mình” trước các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Gần đây, có tin đồn cho rằng ngày càng có nhiều bất đồng trong giới chức quân sự Philippines vì lập trường mềm mỏng của ông Duterte trong việc đối phó Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Philippines hôm 18-4 đã phủ nhận tin đồn rằng họ ngừng ủng hộ Tổng thống Duterte nếu ông không lên án hành vi của Trung Quốc, cho biết đó là “thông tin sai lệch”, là sự “tuyên truyền vô trách nhiệm” của những kẻ chống đối chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm