Tướng Pháp chỉ ra 'vỏ bọc' của dự luật Hải cảnh Trung Quốc

Bình luận về dự luật Hải cảnh Trung Quốc (TQ) đang gây lo ngại cho dư luận quốc tế thời gian qua, tướng hai sao Daniel Schaeffer (Pháp) nhận định Bắc Kinh muốn sử dụng Hải cảnh như một lực lượng thực thi pháp luật đối với các vùng biển TQ tuyên bố có chủ quyền. Bắc Kinh muốn áp đặt sự quản lý của Hải cảnh với vùng biển của nước khác.

Phục vụ chiến thuật “cherry-pick”

. Phóng viên: Luật Hải cảnh TQ có ý nghĩa gì với chiến lược bành trướng Biển Đông?

+ Tướng Daniel Schaeffer: Mọi người đều biết, và cũng giống như thẩm phán về hưu Antonio Carpio của Philippines từng nhận xét, TQ đang thực thi chiến thuật “cherry-pick” (tạm dịch: Chọn lọc cái có lợi và lờ đi cái có hại) trong việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế về biển. TQ chỉ lựa những gì có lợi cho họ, trong khi xem thường hoặc bóp méo cách viết và diễn giải những điều khoản khác vốn được (cộng đồng quốc tế) thống nhất.

TQ cho đến nay vẫn từ chối việc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế tại Hague (Hà Lan) vào năm 2016 vụ kiện của Philippines. Vì vậy, với thuật ngữ mà TQ gọi là “các quần đảo Nam hải” được phân định bằng đường chín đoạn hay đường lưỡi bò, TQ vẫn tiếp tục đơn phương cho rằng họ có quyền tài phán ở hầu hết khu vực Biển Đông. Vì vậy, TQ cho rằng chính lực lượng Hải cảnh mới có vai trò thực thi pháp luật ở khu vực đường lưỡi bò, chứ không phải lực lượng Hải quân TQ.

Theo dự luật, lực lượng Hải cảnh TQ sẽ thực thi pháp luật ở khắp khu vực (đường lưỡi bò). Đây là một thủ thuật mới và có tính tương hỗ nhằm củng cố lòng tin rằng toàn bộ khu vực đường lưỡi bò là của TQ. Bắc Kinh, cũng qua thủ thuật này, muốn cả thế giới tin rằng TQ có chủ quyền ở hầu hết Biển Đông và điều đó không thể chối cãi.

Tuy nhiên, sự thật thì vùng biển đường lưỡi bò không phải thuộc chủ quyền của TQ. Biển Đông có những vùng biển quốc tế và nó không thuộc thẩm quyền quản lý của (Hải cảnh) TQ. Có những trường hợp Liên Hợp Quốc ủy quyền giám sát thực thi pháp luật ở một vùng biển quốc gia nào đó (nhưng TQ không thuộc trường hợp như vậy - PV). Luật Hải cảnh của TQ rõ ràng là một thủ thuật nhằm củng cố sự kiểm soát của họ ở Biển Đông mà không gây ra chiến tranh.

Căng thẳng sẽ leo thang

. Luật Hải cảnh của TQ có thể tác động như thế nào đến an ninh khu vực?

+ Theo các điều khoản của dự luật thì lực lượng Hải cảnh TQ sẽ giám sát và thực thi pháp luật nội địa của TQ ở hầu hết các khu vực Biển Đông, vốn là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác (theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS) nhưng bị TQ cho rằng nằm trong yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của họ. Hệ quả là những căng thẳng vốn đã hiện hữu giữa TQ với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ trầm trọng hơn.

Một điều nữa cũng cần được nhấn mạnh khi nhìn về luật Hải cảnh lần này, đó là Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) mà các nước ASEAN và TQ đang đàm phán. (Hiện nay TQ muốn đưa những điều khoản nguy hiểm vào bộ quy tắc này như không đưa quần đảo Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh; lờ đi phán quyết của Tòa Trọng tài; không lấy UNCLOS làm nền tảng; và không chấp nhận từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò - PV).

Nếu không cẩn trọng và COC ngày nào đó được thông qua, nó sẽ giúp TQ tăng sức mạnh để có thể chống lại các quốc gia ven biển khác ở Biển Đông. Ngoài ra, bộ quy tắc cũng trao thêm sức mạnh để TQ chối bỏ các quyền lợi hợp pháp của các nước ven biển khác đối với EEZ của những nước này. Như vậy, có thể thấy bằng việc giao cho lực lượng Hải cảnh nhiệm vụ giám sát và thực thi luật pháp ở hầu hết diện tích Biển Đông (thông qua luật Hải cảnh), TQ đã chính thức chuẩn bị cho một tương lai mà nước này mong muốn như trên.

. Luật mới giúp ích gì cho Hải cảnh TQ?

+ Luật mới giúp TQ củng cố những khả năng của lực lượng Hải cảnh mà so với hiện nay họ chưa có, nhằm cáo buộc các nước Đông Nam Á đang hoạt động trong EEZ hợp pháp của họ ở Biển Đông là những “kẻ xâm phạm” biển của TQ chiếm giữ. Hơn thế, tình hình sẽ trở nên tệ hại hơn một khi các tòa án về các vụ kiện hàng hải của TQ tự trao cho mình thẩm quyền quốc tế để đưa ra các phán quyết. Lý do là khi Hải cảnh TQ xác định các trường hợp mà họ gọi là xâm phạm chủ quyền thì “những ai xâm phạm chủ quyền” sẽ bị kiện ra tòa. Điều đó có nghĩa TQ luôn nỗ lực để chối bỏ quyền lợi hợp pháp, thậm chí là muốn tước đoạt những quyền lợi ấy của các nước ven biển khác trong EEZ của họ.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc trong một lần tấn công phi pháp tàu kiểm ngư Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: USNI/ALAMY (XINHUA)

Từng bước áp đặt các nước

. Luật Hải cảnh rồi sẽ được thực thi như thế nào?

+ Khi dự luật được thông qua, Bắc Kinh sẽ đưa ra một giai đoạn nào đó mà chúng ta chưa thể đoán định nhằm cảnh báo các nước khác. Sau đó, dựa vào luật nội địa này, lực lượng Hải cảnh TQ sẽ tháo dỡ tất cả công trình kiến trúc, cấu trúc, hoặc các loại thiết bị cố định hoặc thả nổi của nước khác ở Biển Đông mà TQ đơn phương xem là xâm phạm vùng biển của họ, tức là đường lưỡi bò.

Điều đó có thể dẫn tới các vụ đụng độ trên biển khi Hải cảnh TQ chống lại ngư dân, các cơ sở khai thác dầu khí, thậm chí là các cơ sở hoạt động trong khuôn khổ liên kết (giữa nhiều nước hay nhiều cá nhân, tổ chức) của các nước. Ngoài ra, các cuộc đụng độ cũng sẽ có thể diễn ra ở tất cả đảo nhỏ biệt lập mà TQ chưa chiếm đóng.

. Trong tình huống đối đầu xảy ra, Hải cảnh TQ có được xem là một lực lượng quân sự?

+ Năm 2018, lực lượng Hải cảnh TQ được chuyển giao sang cho lực lượng Vũ cảnh, đồng thời trực thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương TQ. Phía Mỹ đã tuyên bố rất rõ ràng rằng: Với những điều kiện hiện nay (của Hải cảnh TQ), phía Mỹ xem lực lượng này như một cơ quan quân sự (tức là lực lượng vũ trang). Vì vậy, trong tình huống đối đầu xảy ra, Hải cảnh TQ có thể sẽ bị phía Mỹ đối xử như những mục tiêu quân sự. Mỹ cũng nói rằng trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng vệ lẫn nhau (MDT) với Philippines, Washington sẽ đến và bảo vệ Manila nếu họ bị phía TQ tấn công trên biển. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu Hải cảnh TQ tấn công vào đảo Thị Tứ (do Philippines chiếm đóng) thì phía Mỹ sẽ không thể đến kịp để bảo vệ người dân trên đảo và ở khu vực xung quanh.

Tất cả phân tích tôi nêu trên cho thấy luật Hải cảnh TQ đang được che đậy bởi một lớp vỏ bọc mà TQ gọi là đảm bảo an ninh, an toàn và thực thi pháp luật ở một vùng biển quốc tế không phải là “ao nhà” của TQ nếu soi chiếu theo luật quốc tế. Về bản chất, một khi được đưa vào thực tế thì nó sẽ làm gia tăng sự bất ổn ở Biển Đông.

. Xin cám ơn ông.

 

Các giải pháp tiềm năng

. Giải pháp mà các quốc gia ASEAN nên thực hiện để chống lại âm mưu của TQ là gì?

+ Các quốc gia ASEAN nên cân nhắc việc dừng các cuộc đàm phán về COC, trừ khi có thể yêu cầu TQ chấp nhận đưa phán quyết năm 2016 vào trong nội dung COC. Ngoài ra, các nước nên tiến hành tố cáo TQ trước Liên Hợp Quốc, rằng TQ muốn thực thi pháp luật trên một vùng biển quốc tế mà nước này không được công nhận quyền tài phán. TQ cũng không được bất kỳ ai có thẩm quyền ủy quyền để thực hiện các hoạt động như vậy.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của không quân và hải quân được liên kết giữa các quốc gia trên khắp trong và ngoài Biển Đông để TQ không thể có cơ hội nhúng tay vào vùng hàng hải quốc tế đó. Song song đó, các nước phải cố gắng thuyết phục để TQ hiểu rằng việc loại bỏ tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ không dẫn đến hệ quả là quyền được lên tiếng và thảo luận của họ với các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến vấn đề chủ quyền ở các đảo nhỏ biệt lập.

Các nước Biển Đông, dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc, cũng cần kêu gọi các nước khác thực hiện các cuộc tuần tra chung ở phạm vi các vùng biển cả ở Biển Đông sau khi đã vẽ ra giới hạn của các vùng EEZ (mà các nước được hưởng theo luật quốc tế). Các cuộc tuần tra chung nhắm vào mục đích chống lại các hoạt động phạm tội.

Tôi cũng nghĩ các nước cần tăng cường mối quan hệ tốt hơn đối với Nga, bởi vì Nga có thể hoạt động như một chất xúc tác. Các nước Đông Nam Á (như Philippines, Malaysia, Việt Nam…) cũng có thể kêu gọi hợp tác với TQ ở Biển Đông về kinh tế hay thăm dò, khai thác dầu khí với điều kiện tiên quyết là trong các văn kiện hợp tác, Bắc Kinh thừa nhận khu vực hợp tác là EEZ của các nước chứ không phải của TQ.

(*) Tướng hai sao Daniel Schaeffer từng tốt nghiệp Trường võ bị Saint-Cyr ở Pháp vào năm 1965. Ông từng trải qua nhiều cương vị quan trọng trong hợp tác quân sự của Pháp, trong đó có vị trí cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp. Ông là cũng là cựu tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm