Tương lai Trung-Ấn sau thỏa thuận lui quân

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 28-8 cho hay New Delhi và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận “khẩn trương rút quân” khỏi cao nguyên Dokalam sau căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua ở khu vực này, theo Reuters.

Kết thúc đột ngột

“Trong những tuần gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc (TQ) đã duy trì liên lạc ngoại giao về vụ việc ở Dokalam. Trong quá trình liên lạc, chúng tôi đã trao đổi về các quan điểm, lo ngại và lợi ích của từng bên. Trên nền tảng này, việc khẩn trương rút lính biên phòng tại Dokalam đã được nhất trí và đang diễn ra” - Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong thông cáo ngày 28-8.

Khoảng một giờ sau đó, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng về tuyên bố này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh xác nhận Ấn Độ chiều 28-8 đã rút tất cả binh sĩ và thiết bị về phía biên giới Ấn Độ nhưng lại đồng thời cho biết binh sĩ TQ sẽ tiếp tục tuần tra tại Dokalam. “Phía TQ sẽ tiếp tục bảo vệ lãnh thổ, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ phù hợp với các hiệp định lịch sử” - bà Hoa nói tại buổi họp báo.

Thế nhưng về thực tế, hai tuyên bố của Bắc Kinh và New Delhi không quá mâu thuẫn, theo Hindustan Times. Thứ nhất, bà Hoa không nói rõ quân đội TQ sẽ làm gì tiếp theo hay tiếp tục dự án xây đường gây tranh cãi mà chỉ nói là “tuần tra”. Thứ hai, tuần tra trên các khu vực có tuyên bố chủ quyền chung vẫn được phép tiến hành theo các thỏa thuận kiểm soát biên giới Trung-Ấn và trên thực tế cũng sẽ được áp dụng cho biên giới TQ và Bhutan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Ấn Độ hồi năm 2016. Ảnh: AFP

Cùng lùi để cùng tiến

Thỏa thuận trên đạt được giữa bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp tới TP Hạ Môn, TQ để tham dự hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) từ ngày 3 đến 5-9 tới.

Theo New York Times, sự kiện này có thể đã gây áp lực buộc giới chức TQ và Ấn Độ tìm ra một giải pháp cho vấn đề Dokalam, mà cụ thể là thỏa thuận cùng lùi quân. Dhruva Jaishankar, nhà phân tích tại Trung tâm Brookings trụ sở Ấn Độ, đánh giá thỏa thuận trên là một dấu hiệu tích cực. Nó cho thấy New Delhi và Bắc Kinh vẫn có thể giải quyết căng thẳng một cách hòa bình và thông qua ngoại giao bất chấp những bất đồng giữa hai bên.

Căng thẳng giữa TQ và Ấn Độ bùng phát kể từ hôm 16-6, khi biên phòng TQ đơn phương điều công binh đi vào vùng Dokalam để xây một con đường, bất chấp phản đối của Bhutan. Theo yêu cầu giúp đỡ từ Bhutan, Ấn Độ đã đưa quân tới Dokalam để can thiệp vào dự án này. New Delhi từ thời điểm đó đến đầu tháng này đã nhiều lần đề xuất hai bên cùng rút quân để tiến tới giải quyết căng thẳng, trong khi Bắc Kinh khăng khăng binh sĩ Ấn Độ phải rút trước vô điều kiện. Hindustan Times đánh giá cả Ấn Độ và TQ không nên xem thỏa thuận cùng rút quân khỏi Dokalam là một chiến thắng mà thay vào đó xem đây là một cảnh báo về việc hai nước cần mở rộng các cơ chế giải quyết căng thẳng ở những khu vực biên giới tranh chấp khác.

Ông Vương Đức Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Viện KHXH Thượng Hải, cho rằng Nga có thể là nhân tố quan trọng giúp giảm căng thẳng biên giới giữa TQ và Ấn Độ hiện nay nhờ có tiếng nói lớn bên trong BRICS cùng quan hệ tốt với cả hai nước.

Tờ Times of India dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ sáu tháng qua đã bàn tới khả năng nhờ Nga thuyết phục TQ thay đổi thái độ trong vấn đề biên giới. New Delhi được cho là cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với Moscow trước thượng đỉnh BRICS.

___________________________

TQ và Ấn Độ nhất trí rút quân sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận tích cực giữa lãnh đạo hai nước tại BRICS.

RAJEEV RANJAN CHATURVEDY, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm