Tương lai liên Triều vẫn còn nhiều ‘ẩn số’

Thượng đỉnh liên Triều mới đây là một cột mốc lịch sử trọng đại nhưng vẫn còn nhiều lý do để băn khoăn về những hứa hẹn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Niềm hy vọng từng “chóng nở chóng tàn”

Giới quan sát chú ý nhiều đến chi tiết ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ Hàn Quốc trong suốt 65 năm kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai miền Triều Tiên có hiệu lực. Đây là chỉ dấu cho thấy thiện chí cao độ từ phía Triều Tiên nhằm hướng đến triển vọng hòa bình thực chất tại bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua chi tiết mang tính biểu tượng này, có thể nhận ra rằng hình ảnh “nắm tay thân tình” của ông Kim Jong-un và người đồng cấp Moon Jae-in không phải là chưa có tiền lệ. Trước đó, lần lượt vào năm 2000 và 2007, hai người tiền nhiệm của ông Moon Jae-in lúc bấy giờ là Kim Dae-jung và Roh Moo-huyn cũng từng có các cuộc gặp được cho là “lịch sử” với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Cả hai lần đều mở đầu bằng hứa hẹn về triển vọng hòa bình nhưng rồi lại thất vọng khi Hàn Quốc nhận định Triều Tiên không thực thi các cam kết về chương trình hạt nhân của họ.

Tương lai quan hệ liên Triều vẫn còn nhiều ẩn số, trong đó có kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: INDICATOR.GR

Ông Kim Jong-un có tạo ra “khác biệt”?

Từng học tập ở Thụy Sĩ trước khi về nước nắm quyền lãnh đạo, vào thời điểm chuyển giao quyền lực, ông Kim cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên khác biệt. Tuy nhiên, dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu cải cách kinh tế, mở cửa giao thương quốc tế

Ở chiều ngược lại, có những đặc trưng về thời điểm và bối cảnh khiến kết quả của thượng đỉnh liên Triều lần này rất có thể sẽ khác biệt. Một trong những nội dung quan trọng nhất và gây bất ngờ nhất trong tuyên bố chung lần này là vấn đề “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Yếu tố gây bất ngờ nằm ở sự chủ động của Triều Tiên. Chính Bình Nhưỡng đã gợi mở về một khả năng “phi hạt nhân hóa” ngay từ trước khi cuộc gặp diễn ra, dù rằng năng lực hạt nhân được đánh giá là một “trọng điểm chiến lược” của Triều Tiên, có liên hệ mật thiết tới an ninh quốc gia và sự ổn định của đất nước này.

Phía sau tuyên bố “phi hạt nhân” của Triều Tiên

Dù cho đến giờ thực hư và lộ trình của quá trình “phi hạt nhân hóa” được diễn đạt trong tuyên bố chung giữa Bình Nhưỡng và Seoul còn mơ hồ, có thể nhận thấy rằng việc Triều Tiên xuống thang trong lập trường về năng lực hạt nhân của mình là dấu hiệu nước này về cơ bản đã hoàn thiện khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân. Việc sở hữu năng lực hạt nhân tương đối hoàn thiện đủ để đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ Mỹ cũng đồng thời gia tăng khả năng Triều Tiên bị tấn công phủ đầu bởi những chiếc ô hạt nhân do Mỹ đặt ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, việc thể hiện là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm trong mắt Mỹ và cộng đồng quốc tế trở thành một lựa chọn “có tính toán” về lợi ích và rủi ro đối với Triều Tiên. Theo đó, thực chất của “phi hạt nhân hóa” của Triều Tiên sẽ chủ yếu liên quan đến việc ngừng các vụ thử và khó có thể là một tiến trình giải giáp hoàn toàn. 

Hơn thế nữa, việc giảm thiểu căng thẳng hạt nhân và mở ra khả năng về một hiệp ước hòa bình chính thức với Hàn Quốc cho phép Triều Tiên bào mòn phần nào tính chính danh và ý nghĩa của quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn. Về thời điểm, Triều Tiên có thể đã quan sát rằng chính sách ngoại giao-thương mại dưới thời Trump đã làm suy yếu tương đối hệ thống trục đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Do đó đây là thời điểm thích hợp để thực hiện bước đi “hòa hợp”.

Theo thống kê của CNN, tần suất thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên tăng cao nhất dưới thời ông Kim Jong Un, hoàn toàn nhất quán với nỗ lực phát triển năng lực hạt nhân của Triều Tiên vốn kéo dài trước đó. 

Chờ “ẩn số” đàm phán Trump-Kim 

Chính vì tầm quan trọng của nhân tố Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump mới là diễn biến đáng chú ý.

Về cơ bản, để đánh đổi những ràng buộc nhất định tới năng lực hạt nhân của mình, Triều Tiên sẽ phải đòi hỏi nhiều nhượng bộ thực chất từ phía Mỹ. Chúng có thể bao gồm việc yêu cầu Mỹ cam kết rút dần quân Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, thu hồi ô hạt nhân của Mỹ đang phủ tại khu vực, giải giáp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, hay ít nhất là gỡ bỏ đáng kể các lệnh cấm vận nhắm vào Bình Nhưỡng.

Ý nghĩa của thượng đỉnh liên Triều vẫn còn phụ thuộc vào cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump. Nên nhớ rằng chính sách ngoại giao mang màu sắc “Ánh dương” của ông Moon Jae-in, tương tự như những người tiền nhiệm cùng chí hướng là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, luôn là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Hàn Quốc. Nếu các diễn biến tiếp theo không như mong đợi, nhiều khả năng ông Moon sẽ khó có thể duy trì tâm lý lạc quan trong nước để tiếp tục nỗ lực hàn gắn liên Triều.

___________________________

* Nguyễn Vũ Nhật Anh là biên tập viên cao cấp tạp chí NOVAsia, ĐH Yonsei (Hàn Quốc), nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm