Từ phán quyết Tòa Trọng tài đến tàu Trung Quốc ở bãi Tư Chính

Trong việc Trung Quốc (TQ) có hành vi leo thang gây căng thẳng ở biển Đông, PGS-TS Vũ Thanh Ca (ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VN)) cho biết: TQ đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của VN với khoảng cách gần nhất tới bờ biển VN, trên 120 hải lý tính từ bờ biển VN. Khu vực thăm dò của TQ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.

Trung Quốc đã tự làm xấu hình ảnh của mình

. Phóng viên: Thưa ông, ở góc độ pháp lý, TQ đã sai phạm như thế nào khi đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và khu vực bãi Tư Chính?

PGS-TS Vũ Thanh Ca

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca (ảnh): Đây không phải là vùng chồng lấn về chủ quyền với bất cứ quốc gia nào khác vì phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: (i) Không có cơ sở pháp lý để TQ yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn; và (ii) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc quần đảo Trường Sa để biện minh rằng vùng biển VN mà TQ đang thăm dò tài nguyên là vùng tranh chấp.

. Hành động sai trái này ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh và uy tín của TQ?

+ Thực hiện thăm dò tài nguyên trong vùng biển VN, TQ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và luật pháp VN. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của TQ và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với TQ.

Đặc biệt, hiện nay ASEAN và TQ đang đàm phán COC. Hành động này của TQ đã gây khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói  là cản trở quá trình đàm phán và TQ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. Tôi cho rằng TQ sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động sai trái như thế.

Bắt buộc phải xin phép nếu muốn nghiên cứu khoa học

. Mặc dù Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cách đây ba năm nhưng các hành động đưa tàu địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc chủ quyền của VN nói riêng và các động thái quấy rối, quân sự hóa biển Đông nói chung vẫn tiếp diễn. Phải chăng phán quyết 2016 không có ý nghĩa thực chất?

+ Mặc dù TQ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực nhưng theo quy định của luật pháp quốc tế, phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế và phải được thực thi. TQ không thể chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế để hành động một cách ngang ngược. Tôi tin rằng về lâu dài, TQ sẽ phải từng bước thực hiện các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực.

. Liên quan đến hoạt động tàu TQ ở EEZ VN, có ý kiến cho rằng UNCLOS hiện không quy định rõ ràng khái niệm “khảo sát khoa học”. Điều này tạo ra cái cớ cho tàu nước ngoài có thể vào EEZ VN với danh nghĩa tiến hành khảo sát khoa học nhưng thực tế lại làm những mục tiêu khác. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 cùng các văn bản dưới luật của VN đã quy định rất rõ về nghiên cứu khoa học trong vùng biển VN. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển VN phải gửi hồ sơ xin phép cho Nhà nước VN, ghi rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, khu vực thực hiện, các phương tiện được sử dụng và kết quả dự kiến của dự án nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, VN còn có quyền cử cán bộ khoa học tham gia nghiên cứu khoa học và được nhận một bản số liệu, kết quả nghiên cứu khoa học. Các quy định này nếu được thực hiện tốt sẽ giảm rủi ro khi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nghiên cứu khoa học trong vùng biển VN.

Hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang làm xấu hình ảnh của nước này và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực. Ảnh: AP

Kiện ra tòa án quốc tế trong điều kiện thích hợp

. Phản ứng của chính quyền Tổng thống Philippines Duterte trong việc buộc TQ thay đổi cách cư xử ở biển Đông nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Ông nhận xét như thế nào về chuyện này?

+ Tôi nghĩ chính quyền của Tổng thống Duterte có cách tiếp cận riêng để thực hiện phán quyết. Tổng thống Duterte đã mong muốn thay vì đối đầu thì xây dựng lòng tin và sự hợp tác toàn diện với TQ. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh rằng TQ không muốn hợp tác trên biển với Philippines trên cơ sở luật pháp quốc tế và chính quyền ông Duterte không thể hy sinh quyền và lợi ích quốc gia trên biển để đổi lấy sự hợp tác hữu hảo từ TQ.

Washington rất lo ngại về các báo cáo TQ gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực biển Đông, đặc biệt là của VN. Các hoạt động khiêu khích nhiều lần của TQ nhắm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ  MORGAN ORTAGUS 

Đến nay, nội dung hợp tác trên biển giữa Philippines và TQ gần như không có gì. Ngay cả thời hạn một năm để xác định nội dung hợp tác và khu vực hợp tác trong tuyên bố chung giữa TQ và Philippines nhân dịp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sang thăm Philippines vào cuối năm 2018 cũng chỉ là cách thức để TQ o ép Philippines.

Tôi tin rằng Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục có cách ứng xử sáng suốt, đúng đắn và việc TQ, Philippines đạt được thỏa thuận hợp tác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo quan điểm đây là vùng tranh chấp sẽ không thể xảy ra.

. Một số chuyên gia và chính khách quốc tế đề xuất VN, Philippines, Malaysia và các nước khu vực nên lập thành một liên minh pháp lý, đưa hành xử phạm pháp của TQ ra công luận và toàn quốc tế. Ông cho rằng gợi ý này có khả dĩ?

+ Theo tôi, không chỉ thành lập liên minh pháp lý với các nước trong khu vực biển Đông, VN còn hoàn toàn có thể tự mình đưa việc TQ vi phạm pháp luật ra công luận và thậm chí ra một cơ quan tài phán quốc tế. Hiện nay VN đã thực hiện khá tốt việc đưa những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của TQ ra công luận. Tôi cũng biết rằng VN đang chuẩn bị các tài liệu để sẵn sàng kiện TQ ra một tòa án quốc tế trong những hoàn cảnh, điều kiện thích hợp.

. ASEAN đang thảo luận sôi nổi về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để giải quyết biển Đông. Triển vọng của COC trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông ra sao?

+ Nếu COC là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế thì đó sẽ là một công cụ rất tốt để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên biển Đông. Tuy vậy, việc đàm phán để đạt được COC như thế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả các nước, đòi hỏi các nước ASEAN phải thật sự quyết tâm.

Vấn nạn bị tàu Trung Quốc đâm va là cực kỳ nguy hiểm

Việc tàu TQ đâm va vào tàu nước khác là một vấn đề nhức nhối trên biển Đông. Cần chú ý rằng trong khu vực này hầu như chỉ có tàu TQ đâm va vào tàu nước khác. Tôi không rõ đây có phải là chủ trương của nhà nước TQ hay không nhưng nếu có thì sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật và nhân đạo, các nước cần giáo dục ngư dân của mình để tránh các trường hợp đâm va. Khi đã xảy ra đâm va, tàu, thuyền phải thực hiện nghĩa vụ cứu trợ người bị nạn và các quốc gia liên quan phải phối hợp để xác định rõ nguyên nhân, có các hành động thích hợp để trừng phạt các đối tượng cố tình đâm va và bồi thường, hỗ trợ các nạn nhân bị đâm va.

Các tàu cá hoạt động trên biển phải bật các thiết bị giám sát hành trình và các công cụ khác, thí dụ đèn chiếu sáng để thông báo cho các tàu, thuyền khác về vị trí của mình. Thiết bị giám sát hành trình ngoài việc tránh đâm va còn giúp các nước quản lý tốt đội tàu đánh cá của mình, chống đánh bắt cá trái luật, không thông báo và không được quản lý (IUU). Nhà nước TQ cần nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế để bảo đảm an toàn, hòa bình và ổn định trên biển.

PGS-TS VŨ THANH CA 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm