Xung đột Armenia-Azerbaijan: Mỗi bên có toan tính riêng

Sau khi xung đột tái bùng phát ở Nagorno-Karabakh, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngay trong ngày 27-9. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng nhiều lần trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin qua điện thoại.

Giới lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cũng chủ động liên lạc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ và lãnh đạo nhiều nước khác, theo hãng tin Sputnik.

Trong bài 1, PLO đã tóm lược lại lịch sử xung đột tại giữa người Armenia và người Azerbaijan từ Chiến tranh thế giới thứ nhất tới nay và tình hình chiến sự trong một tuần qua. Nội dung bài 2 sẽ tập trung vào sự phản ứng và toan tính của các cường quốc liên quan tới tranh chấp ở Nagorno-Karabakh.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ cố tránh can dự…

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là hai cường quốc đang có những toan tính riêng để tranh giành ảnh hưởng, tạo ra một "vùng đệm" có lợi cho mình tại dải đất nối liền hai nước.

Ngay từ ngày 27-9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Hai nước thống nhất rằng cần ngay lập tức chấm dứt tình trạng đối đầu ở Nagorno-Karabakh. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (phải) tại Yerevan (Armenia) hồi tháng 10-2019. Ảnh: KREMLIN

Armenia là đồng minh Nam Caucasus duy nhất của Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Cả Azerbaijan và Georgia đã rời khỏi CSTO vào năm 1999. Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Baku.

Trong cuộc điện đàm mới nhất (hôm 2-10) với Thủ tướng Armenia Pashinyan, Tổng thống Nga Putin "quan ngại sâu sắc" trước thông tin của Yerevan rằng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai "những tay súng thuộc các đơn vị vũ trang bất hợp pháp đến từ Trung Đông" để hỗ trợ Azerbaijan, theo Sputnik.

Moscow một lần nữa kêu gọi các bên "ngừng giao tranh ngay lập tức và tái khởi động các nỗ lực chính trị - ngoại giao hướng tới giải quyết xung đột", bao gồm việc quay trở lại đối thoại trong khuôn khổ Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Dù có một căn cứ quân sự của Nga nằm gần Yerevan, có vẻ như ông Pashinyan chưa đề cập khả năng triển khai binh sĩ Nga từ căn cứ này hỗ trợ lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: … Người sẵn sàng tham chiến

Ankara và Baku có mối quan hệ "anh em" truyền thống và chia sẻ nhiều giá trị chung. Hiện nay, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Azerbaijan là hai nhóm sắc tộc người Turk đông đảo nhất, theo hãng tin Al Jazeera.

Cựu Tổng thống Azerbaijan Heydar Aliyev (giai đoạn 1993-2003) gọi quan hệ Baku-Ankara là mối quan hệ "một dân tộc, hai nhà nước". Trong các phản ứng gần đây liên quan tới xung đột tại Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ đều nhắc lại "nguyên tắc" này.

Khác hẳn với nỗ lực "đứng ngoài xung đột" từ phía Nga, Thổ Nhĩ Kỹ đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn để ủng hộ đồng minh Azerbaijan và để mở khả năng tham chiến nếu chính quyền Baku yêu cầu. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) thăm Azerbaijan và làm việc với người đồng cấp nước chủ nhà Ilham Aliyev (phải) hồi cuối tháng 2. Ảnh: REUTERS

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 27-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhấn mạnh rằng "với tất cả khả năng của mình, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sát cánh cùng những người anh em Azerbaijan".

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận mọi thông tin về sự hiện diện quân sự ở Nagorno-Karabakh dù cho cả Armenia, Nga và Pháp đều nói rằng có bằng chứng về việc Ankara đưa lính đánh thuê có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang tham chiến tại Nam Caucasus.

Thủ tướng Armenia Pashinyan nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, gồm cả khả năng cấm vận vũ khí, để ngăn Ankara can thiệp vào Nagorno-Karabakh.

Ở chiều ngược lại, Ankara kêu gọi thế giới gây sức ép buộc Armenia phải rút khỏi "vùng lãnh thổ bị chiếm đóng" Nagorno-Karabakh. Ngày 2-9, ông Erdogan chia sẻ trên Twitter rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Azerbaijan tiếp tục thế tấn công và "giải phóng" Nagorno-Karabakh khỏi tay người Armenia.

Các cường quốc khác cũng phản ứng theo lợi ích riêng của mình

Nga, Pháp, Mỹ là ba quốc gia được giao nhiệm vụ đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE. Nhóm này được thành lập năm 1992 như một nỗ lực giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh nhưng bị coi là không thành công khi không thể xây dựng một nghị quyết hòa bình cho người Armenia và người Azerbaijan.

Ngày 1-10, Nga, Mỹ và Pháp đã phát đi tuyên bố chung về chiến sự ở Nagorno-Karabakh. Ba nước lên án sự leo thang xung đột gần đây trong khu vực, kêu gọi "chấm dứt tình trạng đối đầu ngay lập tức" và nối lại đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan trên tinh thần "thiện chí và vô điều kiện".

Tuy nhiên, không lâu trước khi tuyên bố chung trên được công bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã phát biểu trước quốc hội nước này rằng: "Do Mỹ, Nga và Pháp đã phớt lờ vấn đề này gần 30 năm nay nên không thể chấp nhận chuyện họ tham gia tìm kiếm một lệnh ngừng bắn".

Riêng về phía Pháp, trong tối 27-9, Điện Elysee tuyên bố "quan ngại sâu sắc trước những vụ tấn công vũ trang" ở Nagorno-Karabakh. Paris thể hiện rõ ủng hộ người Armenia và "sẵn sàng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một đồng chủ tịch Nhóm Minsk".

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Pashinyan hôm 2-10, ông Macron tái khẳng định sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng đối đầu và nối lại đàm phán trong khuôn khổ Nhóm Minsk. 

Ông Macron đối mặt thêm nhiều áp lực sau khi một xe buýt chở phóng viên hãng tin AFP (Pháp) bị người Azerbaijan tấn công tại thị trấn Matuni (Nagorno-Karabakh). Ngày 1-10, hai phóng viên người Pháp làm việc cho báo Le Monde đã bị thương nặng tại vùng chiến sự. Hai người này đã được đưa về Pháp chữa điều trị. 

Một trong hai nhà báo của tờ Le Monde bị thương ở Nagorno-Karabakh được đưa đến sân bay ở Yerevan (Armenia) để trở về Pháp. Ảnh: AP

So với Nga và Pháp, những tuyên bố của Mỹ về chiến sự ở Nagorno-Karabakh là tương đối hạn chế. Ngày 27-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Washington có "nhiều mối quan hệ tốt đẹp" ở khu vực và đang "xem xét vấn đề một cách rất nghiêm túc".

Tuy nhiên, tại TP Los Angeles (Mỹ), trong ngày 30-9, nhiều người gốc Armenia đã tuần hành trước Tổng Lãnh sự quán Azerbaijan để kêu gọi Washington ngừng viện trợ quân sự cho Baku và đứng về phía Yerevan trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh.

Theo số liệu của chính quyền Washington, Mỹ đã viện trợ cho các lực lượng an ninh Azerbaijan 3,67 triệu USD trong năm 2019 và thêm 247.550 USD trong năm 2020.

Trong khi đó, Iran - cường quốc khu vực nằm gần vùng chiến sự nhất - tuyên bố công nhận và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, có nghĩa là phản đối sự kiểm soát của người Armenia ở Nagorno-Karabakh. Iran cũng phủ nhận thông tin về việc hỗ trợ vũ khí cho Armenia, theo Al Jazeera.

Nhưng Tehran sẽ phải khó xử vì Azerbaijan được coi là một đồng minh quan trọng của Israel - một đối thủ lớn của Tehran. Armenia cáo buộc Israel cung cấp cho Azerbaijan nhiều vũ khí hạng nặng. Chính quyền Baku xác nhận sử dụng một số vũ khí mua từ Israel trong chiến sự tại Nagorno-Karabakh nhưng không nói rõ số lượng và chủng loại.

Nhận định về cạnh tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và vai trò của Nhóm Minsk

Chuyên gia chính trị Arkady Dubnov thuộc Văn phòng Nga của của Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie cho rằng tại Nam Caucasus, Nga đang lép vế so với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Dubnov cho rằng "nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến này là rõ ràng và có vẻ cực kỳ hung hăn". Tuy nhiên, Moscow bị cho là đang kiềm chế để tránh lôi kéo Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO - mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên) đối đầu với CSTO, cũng như không muốn ảnh hưởng tới quan hệ với Baku.

Ông Dubnov còn cho rằng trong tương quan song phương, Nga cần Azerbaijan hơn so với chiều ngược lại vì Baku là "đối tác năng lượng và địa chính trị lớn nhất" của Moscow. Trong khi đó, so với nhu cầu duy trì hợp tác từ Yerevan, Moscow bị nhấn xét là ít quan tâm Nga-Armenia hơn.

Về tương lai cho Nagorno-Karabakh, chuyên gia người Nga Fyodor Lukyanov - Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ thảo luận Valdai - cho rằng Armenia và Azerbaijan khó có khả năng ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. 

Giám đốc nghiên cứu tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai (Nga) Fyodor Lukyanov. Ảnh: TWITTER

Ông Lukyanov phân tích rằng chính quyền Baku không sẵn sàng đối thoại vì với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan tin rằng họ "có thể đạt được mục tiêu của mình bằng biện pháp quân sự".

Chuyên gia Vladimir Yevseyev (làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga) lưu ý rằng Azerbaijan sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi của Nhóm Minsk vì nguyên trạng tại khu vực không có lợi cho nước này. Chính quyền Baku coi việc người Armenia quản lý Nagorno-Karabakh là không chấp nhận được.

Đúng như nhận định của ông Yevseyev, dù Armenia hôm 2-10 tuyên bố "sẵn sàng làm việc với Nhóm Minsk", Bộ Ngoại giao Azerbaijan phản bác lại rằng Yerevan chỉ theo đuổi mục tiêu "chiếm đóng" Nagorno-Karabakh và "không quan tâm" tới việc đối thoại.

Ông Yevseyev còn lo ngại tham vọng "thu hồi lãnh thổ" của Azerbaijan có thể đẩy Armenia tới điểm phải phản ứng mạnh mẽ hơn. Đó sẽ là một kịch bản nguy hiểm vì Yerevan không chỉ có tổ hợp tên lửa đạn đạo tối tân Iskander (nhập khẩu từ Nga) mà còn có nhiều hệ thống vũ khí hiện đại khác.

Nếu xung đột không hạ nhiệt, người Armenia và người Azerbaijan rất có thể vướng vào một cuộc chiến quy mô lớn và dai dẳng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm