Xa Bình Nhưỡng hoa lệ: Có một Triều Tiên rất khác

Chính quyền Triều Tiên nói rằng nước này là một “thiên đường xã hội chủ nghĩa” nơi các công dân trong trang phục xinh đẹp đổ ra đường phố để vinh doanh công lao kì vĩ của các nhà khoa học cùng những tiến triển ngoạn mục trong công nghệ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Washington Post ngày 4-12, đó chính là thông điệp mà các nhà tuyên truyền Triều Tiên truyền tải sau vụ thử hạt nhân hồi đầu tháng 9 và một lần nữa là vào tuần trước, sau khi lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 mà về lý thuyết có thể tấn công mọi ngóc ngách của nước Mỹ.

Người dân Triều Tiên sử dụng xe đạp đi lại trên đường phố ngoại ô TP Chongjin. Ảnh: ED JONES

Sau vụ phóng rạng sáng 29-11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật một buổi vũ hội ăn mừng đã diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng. Những người làm việc bên trong chính phủ cùng người dân đã tham gia sự kiện trong “niềm phấn khích và vui sướng tột cùng”.

Hình ảnh được KCNA đăng tải cho thấy những màn pháo hoa rực rỡ. Các binh lính thì ôm nhau, cùng tươi cười trong sự sung sướng.

Khung cảnh một ngôi làng gần Rakson ở Đông Bắc Triều Tiên. Ảnh: ED JONES

Tuy nhiên, khác với bức tranh hoa lệ trên là một hình ảnh đầy khác biệt về cuộc sống của người dân Triều Tiên ở những vùng ven, những vùng nằm cách xa thủ đô Bình Nhưỡng. Góc khuất đó một lần nữa đã được nhiếp ảnh gia người Anh Ed Jones lột tả trong loạt ảnh mà anh chụp được ở khu vực bờ biển phía Đông Triều Tiên hồi cuối tháng trước.

Ed Jones là một nhà chụp ảnh làm việc cho hãng thông tấn AFP của Pháp, chủ yếu tác nghiệp tại Seoul (Hàn Quốc). Anh đã được phép tác nghiệp tại Triều Tiên kể từ khi AFP được chính phủ Triều Tiên cho phép mở một văn phòng ở Bình Nhưỡng vào tháng 9-2016. Hiện AFPAP (Mỹ) là hai hãng tin duy nhất của phương Tây có văn phòng thường trú tại thủ đô của Triều Tiên.

Một người đàn ông đi ngang qua nhà máy ở TP Chongjin. Ảnh: ED JONES

Tuy nhiên, hai hãng tin này hiện chịu sự kiểm soát gắt gao về địa điểm nào họ có thể tác nghiệp và những gì họ có thể ghi nhận. Các quan chức Triều Tiên cũng thích thú đưa các phóng viên phương Tây đi tác nghiệp vào mùa hè khi mà bầu trời trong xanh và những cánh đồng lúa xanh tốt bao la.

Chuyến đi của nhiếp ảnh gia Jones được thực hiện từ ngày 20 tới 25-11 vừa qua. Anh đi từ TP cảng Wonsan dọc lên Hamhung và Chongjin, sau đó tới đặc khu kinh tế Rason nằm gần với biên giới Trung Quốc.

Những phụ nữ Triều Tiên đẩy xe chở cải bắp ở Hamhung. Ảnh: ED JONES

Triều Tiên trong đôi mắt chân thực của Jones là một nơi rất khác với những bức ảnh tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng. Bức tranh thực tế đó đặc biệt khác hẳn với những gì mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un hứa hẹn trong chính sách “Byungjin” (phát triển song song). Theo đó, chính phủ cùng lúc sẽ thực hiện hai mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Jones đã không nhìn thấy những cánh đồng lúa bát ngát và những đại lộ được lát gạch sạch sẽ như ở thủ đô khi anh tới Hamhung, TP lớn thứ hai của Triều Tiên và từng là một trung tâm công nghiệp.

Thay vào đó, những bức ảnh mà anh chụp được cho thấy người dân Triều Tiên khoác những chiếc áo ấm dày đang dẫn xe đạp trên các con đường đất. Cùng với đó là những phụ nữ đẩy những xe chở cải bắp giữa các tòa nhà mà màu sơn đã bạc đi.

Một người đàn ông dùng gia súc chở rơm gần Riwon hôm 22-11. Ảnh: ED JONES

Dọc bờ biển, nơi những chiếc thuyền gỗ cập bến, không hề có một hơi hám nào của những cột khói đen được nhìn thấy bốc lên từ các nhà máy. Đây là một bức tranh rất khác với báo cáo gần đây nhất của KCNA về TP Hamhung.

Khi nhóm nhạc nữ Moranbong trình diễn ở Hamhung hồi tháng 10, KCNA từng nói rằng màn biểu diễn những bài hát của họ cho khán giả địa phương “đã cho thấy một cách đầy ấn tượng niềm vui cùng tinh thần lạc quan của người dân Triều Tiên, những con người đang tôn vinh phẩm cách là những con người độc lập, đang hưởng thụ cuộc sống đáng quý dưới sự bảo bọc của đảng Lao động Triều Tiên”.

Trẻ em thu nhặt củi khô ở Kilju. Ảnh: ED JONES

Khi di chuyển dọc lên các khu vực phía trên, Jones nhìn thấy những người đàn ông đang chở những đống rơm to đùng bằng gia súc. Tại Kimchaek, nơi từng được biết là một hải cảng và xưởng làm đồ sắt, loạt ảnh của anh Jones cho thấy những ống khói một lần nữa cũng “nghỉ ngơi”, không một phương tiện di chuyển nào được thấy trên đường.

Các biểu ngữ tuyên truyền ở ngoại ô TP Chongjin. Ảnh: ED JONES

Khi đến Chongjin, TP lớn thứ ba của Triều Tiên, Jones đôi khi bắt gặp xe hơi hoặc xe tải. Tuy nhiên, hầu hết những bức ảnh của anh cho thấy người dân dắt hoặc đạp xe đạp trên các con đường đất cùng những biểu ngữ tuyên truyền.

Học sinh Triều Tiên đi học trên một con sông băng gần Rakson hôm 21-11. Ảnh: ED JONES

Sau khi nhìn thấy các học sinh Triều Tiên đi bộ dọc một con suối đã đóng băng, Jones bắt gặp cảnh những người phụ nữ đứng trên một con suối đang rửa cải bắp trong dòng nước lạnh lẽo.

Các phụ nữ Triều Tiên rửa cải bắp. Ảnh: ED JONES

Khi tới Rason, nhiếp ảnh gia người Anh ghi lại hình ảnh những tòa nhà cao tầng đang xây dang dở, một cần trục xây dựng, cùng nhiều xe hơi và xe tải. Tuy nhiên, vẫn còn xa vời để gọi đây là một đặc khu kinh tế như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã vẽ ra.

Một quảng trường ở đặc khu kinh tế Rason. Ảnh: ED JONES

Nhà nghiên cứu Jung Pak tại Viện Brookings (Mỹ) đã tự hỏi liệu những người dân Triều Tiên sống ở những vùng cách xa Bình Nhưỡng như thế này có thấy được những tiến triển kinh tế như ông Kim đã hứa hẹn hay không.

Loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Jones đã phần nào cho thấy được cảnh sống của người dân Triều Tiên hiện nay. Bên cạnh những quả tên lửa to đùng mà nhiều nước phải khiếp sợ, bên cạnh một Bình Nhưỡng đầy hào nhoáng mà thoạt đầu ai cũng ngưỡng mộ là một bức tranh thô sơ chưa được tô điểm ở những vùng ít được truyền thông Triều Tiên cho lên sóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm