Viện sĩ Thụy Điển nổi đóa chỉ trích Bob Dylan kiêu ngạo

Hơn một tuần trước, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Văn học danh giá cho biểu tượng âm nhạc huyền thoại của nước Mỹ - Bob Dylan.

Tuy nhiên, kể từ khi được thông báo nhận giải đến nay, Bob Dylan vẫn dửng dưng không lên tiếng, không phản hồi với ban tổ chức giải và cho gỡ luôn cả thông báo mình được trao giải Nobel khỏi tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter và Facebook.

Viện sĩ Thụy Điển nổi đóa chỉ trích Bob Dylan kiêu ngạo

Bob Dylan tại một buổi biểu diễn vào tháng 7-2016. Ảnh: Getty

Trước sự im lặng của người nghệ sĩ này, Per Wastberg - một thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nổi cáu lên và chỉ trích ông này là “bất lịch sự và kiêu ngạo”, kênh truyền hìnhCBS cho biết. Ông Wastberg nhận định sự dửng dưng của Bob Dylan trước giải thưởng dù không nằm ngoài dự đoán của ban tổ chức nhưng vẫn là hành động vô cùng thiếu tôn trọng.

“Thật bất lịch sự và kiêu ngạo. Con người của ông ấy là thế”, Wastberg trả lời phỏng vấn của tờ báo Dagens Nyheter (Thụy Điển). Ông cho biết Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn hy vọng người nghệ sĩ 75 tuổi này cuối cùng sẽ quyết định lên tiếng.

“Chúng tôi đã quyết định không nói thêm gì nữa. Giờ trái bóng nằm trên phần sân của ông ấy. Bạn muốn suy đoán thế nào cũng được”, Wastberg cho biết.

Viện sĩ Thụy Điển nổi đóa chỉ trích Bob Dylan kiêu ngạo

Bob Dylan tại một buổi trình diễn vào năm ông mới 22 tuổi.

Larry Jenkins - người đại diện của ông Dylan đã từ chối trả lời phỏng vấn của CBS vào ngày 22-10 vừa qua, liên quan đến vụ lùm xùm lần này về giải Nobel. Nếu cuối cùng cũng chịu lên tiếng chấp nhận giải Nobel, ông Bob Dylan cùng năm người thắng giải ở các hạng mục đề cử khác sẽ được trao tặng ở Stockholm vào ngày 10-12 sắp tới.

Nếu như biểu tượng âm nhạc của nước Mỹ không lên tiếng chấp nhận giải thưởng, ông cũng không phải là trường hợp đầu tiên đoạt Nobel Văn học mà không đến nhận. Năm 2004, nhà biên kịch kiêm nhà văn Elfriede Jelinek (Úc) đã quyết định ở nhà chứ không lặn lội đến Stockholm.

Năm 2005 rồi năm 2013, lần lượt các nhà văn Harold Pinter và Alice Munro không đến dự được vì lý do sức khỏe. Chỉ mới có hai nhà văn từ chối giải Nobel trong lịch sử là Boris Pasternak (Liên Xô) vào năm 1958 và Jean-Paul Sartre (Pháp) vào năm 1964.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm