Dàn lãnh đạo Facebook hối hận về... Facebook

Facebook đang chia rẽ xã hội

 Không chỉ những người ngoài cuộc mới nhìn nhận được những mặt trái mà Facebook đang mang lại cho xã hội, mà chính những người trong cuộc, những vị cha đẻ của mạng xã hội này cũng đang cảm thấy tự vấn lương tâm về đứa con tinh thần của họ.

Chamath Palihapitiya khuyên mọi người nên từ bỏ Facebook sớm để sống tốt hơn. Ảnh: BBC

Mới đây trên BBC, Chamath Palihapitiya, Phó Chủ tịch phát triển người dùng Facebook, đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại của mình về việc nhiều người đang ngày càng bị Facebook chi phối và khuyên mọi người nên từ bỏ nó sớm để sống tốt hơn.

Trong một cuộc thảo luận vừa diễn ra tại buổi lễ tốt nghiệp của trường đào tạo doanh nghiệp Stanford, Palihapitiya - người từng làm việc tại Facebook từ năm 2005 đến 2011 đã nói với các khán giả: "Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra một công cụ tàn phá kết cấu vận hành của xã hội. Chúng ta đang trong một tình cảnh thực sự tồi tệ. Facebook đã làm xói mòn nền tảng cốt lõi của cách mọi người hành xử với nhau.

"Không trao đổi dân sự, không hợp tác, nhiều thông tin sai lệch và giả dối" là những từ Chamath dùng để miêu tả về Facebook. Ông cho rằng những dạng tương tác nhanh qua mạng như "thả tim", "like"... đang góp phần thay đổi cách xã hội vận hành. 

Chia sẻ rộng hơn về chủ đề mạng xã hội, Palihapitiya nói rằng anh không muốn sử dụng mạng xã hội vì "không muốn khiến bản thân bị lập trình". Và với con của mình, anh nói: "Chúng không được phép sử dụng những thứ tồi tệ này".

Chamath Palihapitiya không chỉ nói đến Facebook, mà hướng đến tất cả dịch vụ được coi là mạng xã hội. Anh lấy dẫn chứng về một sự việc xảy ra tại Ấn Độ, khi có đến bảy người vô tội bị xử tử tại chỗ chỉ vì những tin đồn nhảm về các vụ bắt cóc được chia sẻ trên WhatsApp.

Sean Parker cho rằng Facebook đã khai thác điểm yếu dễ tổn thương trong tâm lý con người. Ảnh: THE GUARDIAN

Con người dễ tổn thương hơn

Sean Parker - đồng sáng lập và là người có ảnh hưởng rất lớn với Facebook trong những năm tháng mới thành lập cho rằng mạng xã hội này đã "khai thác điểm yếu dễ tổn thương trong tâm lý con người", The Guardian đưa tin.

"Tôi không biết mình có thực sự hiểu hậu quả của những gì tôi nói, bởi vì mạng xã hội đã tạo ra những hậu quả không mong đợi khi nó phát triển lên mức có một hoặc hai tỉ người dùng và thực sự nó đã thay đổi mối quan hệ của bạn với xã hội và với những người khác. Và rồi chỉ có Chúa mới biết những gì mạng xã hội này sẽ làm đối với não của con cháu chúng ta" - Parker nói.

"Lời sám hối" trong ngày lễ thánh

Vào hồi tháng 10, tỉ phú Mark Zuckerberg, cha đẻ của Facebook, đã từng công khai xin lỗi toàn thế giới về việc mình đã tạo ra một công cụ gây chia rẽ mọi người, Telegraph đưa tin.

Ông chủ Facebook đã tự thú tội lỗi của mình trong ngày lễ Kippur về đứa con tinh thần mà ông đã tạo nên. Ảnh: TELEGRAPH

“Theo một cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người với nhau. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng để làm tốt hơn trong tương lai” - Mark Zuckerberg viết trên trang cá nhân.

Lời thú tội này được Mark viết trong ngày lễ Kippur - ngày lễ quan trọng nhất năm của người Do Thái. Họ sẽ ăn chay, suy nghĩ về những sai lầm của mình và cầu mong mọi người tha thứ.

Hối hận vì nút Like

Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý cũng như cô lập xã hội, Facebook còn đang ngốn đi của bạn một khoản thời gian khổng lồ.

Kỹ sư lập trình Justin Rosenstein, từng một thời làm cho Facebook, “cha đẻ” của nút Like, cho biết anh lấy làm tiếc vì nút Like đã gây tốn thời gian cho mọi người.

Mặc dù thừa nhận nút Like đã thành công ở một số phương diện như thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người đối với những quan tâm của bạn bè họ, hoặc đóng vai trò như một chất xúc tác cho những cảm xúc tích cực nhưng anh Rosenstein cũng thừa nhận nút Like đó đã dẫn tới việc người dùng tiêu tốn hàng đống thời gian khi xem những video "chẳng bổ béo gì với đời sống", cũng như thường xuyên bị phân tâm bởi những điều vô vị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm