Chia rẽ từ khủng hoảng Venezuela

Venezuela đang bước vào giai đoạn khủng hoảng chính trị lớn nhất trong vòng mấy thập niên qua. Trong khi Tổng thống Nicolas Maduro vừa nhậm chức và đang loay hoay với các giải pháp cải cách kinh tế-xã hội nhằm vượt qua khó khăn như siêu lạm phát, các dịch vụ xã hội bị đóng băng, chất lượng đời sống người dân chạm đáy thì cùng lúc đó thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido cũng tuyên bố là “tổng thống lâm thời” Venezuela.

Đất nước chia đôi

Venezuela đang bị chia rẽ sâu sắc. Tổng thống Maduro, người dẫn dắt Venezuela kể từ năm 2013, hiện đang nhận được sự ủng hộ quan trọng từ tòa án tối cao - cơ quan từng tìm cách vô hiệu hóa quyền lực của quốc hội và bãi bỏ các quyết định của cơ quan này, vốn do thủ lĩnh đối lập lãnh đạo. Ông Maduro còn nắm trong tay hội đồng lập hiến, thể chế ông lập ra vào năm 2017 nhằm mục đích viết lại hiến pháp, có quyền tối cao đối với tất cả nhánh trong chính phủ. Giới quan sát cho rằng động thái này của ông Maduro là nhằm vô hiệu hóa quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Mặt khác, giới chỉ huy quân đội và nội các cũng ủng hộ ông Maduro. Hôm 24-1, quân đội gọi sự chống đối của phe đối lập là âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố quân đội Venezuela không công nhận Guaido là quyền tổng thống. “Những người lính không chấp nhận một người tự xưng không theo luật pháp” - Padrino viết trên Twitter.

Trong số 32 bộ trưởng của chính phủ, chín người có xuất thân quân đội và họ kiểm soát các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, nội vụ, nông nghiệp, thực phẩm và đặc biệt là công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA, một doanh nghiệp có vị thế to lớn vì 96% doanh thu của Venezuela đến từ dầu thô. Quân đội Venezuela còn kiểm soát một đài truyền hình, một ngân hàng và một nhà máy lắp ráp xe.

Trong khi đó, ông Guaido cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Venezuela. Hàng ngàn người dân Venezuela đã xuống đường để biểu tình phản đối ông Maduro trong khi bày tỏ sự công nhận của họ đối với tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của ông Guaido. Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đứng sau sự nổi dậy mạnh mẽ của ông Guaido. Quốc hội không công nhận ông Maduro là tổng thống hợp pháp nhưng họ thất thế trước phán quyết của tòa án tối cao, vốn đứng về phía ông Maduro.

Tháng 6-2017, quốc hội đã thiết lập một tòa án tối cao song song nhưng họ không có thực quyền. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch quốc hội ngày 5-1, ông Guaido thúc giục thiết lập “chính phủ chuyển tiếp” và tổ chức bầu cử, đồng thời kêu gọi quân đội dừng ủng hộ chính phủ.

Tổng thống Venezuela Maduro (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và tổng thống tự phong Guaido. Ảnh: EPA

Thế giới cũng chia đôi

Khủng hoảng Venezuela cũng cho thấy sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Trong khi phương Tây, nổi bật trong đó là Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ ông Guaido thì Nga, Trung Quốc và một số nước khác đứng về phía ông Maduro.

Mỹ và EU cho rằng cuộc bầu cử đưa ông Maduro lên làm tổng thống Venezuela nhiệm kỳ hai hồi cuối năm ngoái là không hợp lệ, bất chấp Venezuela nhiều lần bác bỏ.

Ngân hàng Anh đã chặn yêu cầu của Venezuela nhằm rút lại khoản 1,2 tỉ USD vàng dự trữ mà Caracas gửi tại đây. Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang tính cắt nguồn tiền của chính quyền Tổng thống Maduro sau khi ông Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, theo RT

Trong một tuyên bố vào tối 23-1 (giờ địa phương), ông Pompeo không thừa nhận sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Một ngày trước đó (22-1), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gửi một đoạn video cho người Venezuela nói Tổng thống Maduro là “một nhà độc tài không có quyền lực hợp pháp”. Phát ngôn này làm ông Maduro nổi giận, tuyên bố rằng ông Mike Pence đã làm cho quan hệ ngoại giao 200 năm giữa hai nước Mỹ và Venezuela xuống mức xấu nhất. Cùng ngày, ông Trump cũng đăng trên Twitter công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela: “Người dân Venezuela đã chịu đựng quá lâu dưới chế độ Maduro...”.

Các nước lớn tại EU, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha hôm 26-1 đã ra tối hậu thư cho ông Maduro, yêu cầu trong vòng tám ngày tới phải tổ chức cuộc bầu cử lại, nếu không sẽ chính thức thừa nhận ông Guaido là lãnh đạo của Venezuela. Đại diện cho EU, Ngoại trưởng Anh Alan Duncan nói rằng Venezuela cần một chính phủ “thực sự đại diện cho ý chí của người dân Venezuela”.

Tuy nhiên, tối hậu thư ngay lập tức bị Venezuela bác bỏ. “Không một ai có thể đưa ra thời hạn hoặc yêu cầu chúng tôi tổ chức bầu cử hay không” - Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza tuyên bố với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Bolivia, Iran và một số nước khác ủng hộ chính quyền ông Maduro. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-1 đã gọi điện thoại cho ông Maduro để bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn một “cuộc đối thoại hòa bình” sẽ diễn ra ở Venezuela, theo Reuters. Tờ Business Standard dẫn lời tuyên bố của điện Kremlin cho biết “Tổng thống Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị trong nước đã bị kích động từ bên ngoài”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài chà đạp và phá hoại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Cụ thể, Nga đã chỉ trích quyết định của Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập, cáo buộc đây là “một cuộc đảo chính đầy toan tính”.

Cũng giống như Nga, Trung Quốc đã ra tuyên bố “phản đối sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào các vấn đề của Venezuela”. Bắc Kinh cho Venezuela vay nhiều nhất với 20 tỉ USD, trong khi đó Nga là chủ nợ lớn thứ hai và còn hỗ trợ quân đội Venezuela.

Liên Hiệp Quốc “nóng” chuyện Venezuela

Theo đề nghị của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 26-1 (giờ địa phương) đã nhóm họp về tình hình tại Venezuela. Mỹ chủ trương gia tăng sức ép buộc các quốc gia trong Hội đồng Bảo an ủng hộ ông Guaido, đồng thời kêu gọi Tổng thống Maduro từ chức. Nga ngay lập tức đã phản ứng mạnh về ý định của Mỹ, đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ đối với Venezuela là mang tính “phá hoại”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga và Trung Quốc ủng hộ “một chế độ không thành công” và thúc giục rằng hiện tại là thời điểm để “hỗ trợ người dân Venezuela ngay lập tức”. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ âm mưu một cuộc đảo chính chống lại ông Maduro. Ông Nebenzia cho biết Hội đồng Bảo an không hướng tới mục tiêu thay đổi chế độ của bất cứ nước nào và kêu gọi đàm phán để tìm hướng giải quyết. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giới lãnh đạo Hamas đang ở đâu?

Giới lãnh đạo Hamas đang ở đâu?

(PLO)- Nhiều đồn đoán xung quanh nơi ở của giới lãnh đạo Hamas, có tin rằng họ đang tận hưởng cuộc sống xa hoa ở Qatar giàu có, cũng có tin rằng họ đang trú ẩn dưới các đường hầm ở Gaza.

Cua xanh làm thị trấn lao đao

Cua xanh làm thị trấn lao đao

(PLO)- Loài cua xanh đang đe dọa ngành đánh bắt nghêu ở thị trấn Goro (miền bắc nước Ý), khiến người dân nơi đây đau đầu tìm cách xử lý. 

Độc đáo 'nhà máy bay'

Độc đáo 'nhà máy bay'

(PLO)- Nhiều người đã cải tạo những máy bay cũ thành các căn hộ đầy đủ tiện nghi để sinh sống, thậm chí đón cả khách tham quan ngôi nhà.