5 năm can thiệp Syria, Nga thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông

Năm năm trước, Nga bắt đầu can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria khiến tình hình trên thực địa thay đổi đột ngột và chấm dứt sự lan rộng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại nước này. Chuyên gia Trung Đông Ghassan Kadi và nhà báo Syria Basma Qaddour đã nhìn lại những thành tựu cũng như kế hoạch của quan hệ đối tác chiến lược Nga – Syria, theo hãng tin Sputnik.

Quân nhân Nga và tiêm kích Su-30SM của Nga tại căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia (Syria) năm 2015. Ảnh: Paul Gypteau/AFP

Ngày 30-9-2015, Nga bắt đầu chiến dịch trên không chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria theo đề nghị hỗ trợ quân sự từ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

 “Tất cả chúng ta biết rằng hàng ngàn người từ các nước châu Âu, Nga và vùng hậu Liên Xô đã gia nhập IS, một tổ chức khủng bố mà – tôi muốn nhấn mạnh lần nữa – là không liên quan tới Hồi giáo chân chính” – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 30-9-2015.

“Không cần phải là một chuyên gia mới nhận ra rằng nếu chúng thành công ở Syria thì chúng nhất định sẽ trở về đất nước của họ, trong đó có cả Nga” – ông Putin nói khi đó.

Sự can thiệp của Nga giúp thay đổi cuộc chơi

Sự can thiệp quân sự của Nga đã trở thành bước ngoặt cho Syria – nước chìm trong xung đột kể từ năm 2011. Như những gì chỉ ra trong một tài liệu được giải mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) năm 2012, những lực lượng chính thúc đẩy cuộc nổi dậy ở Syria là nhóm Hồi giáo Salafist, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) và tổ chức al-Qaeda ở Iraq. Những nhóm này đã ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ đầu cả về mặt ý thức hệ và truyền thông.

Thời điểm đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phát đi tín hiệu cảm thông với cái gọi là phe đối lập Syria “ôn hòa” và yêu cầu ông al-Assad từ chức.

Máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 của Nga không kích các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: SPUTNIK

Tháng 9-2014, Mỹ can thiệp quân sự vào Syria với cái cớ chống IS. Quân đội Mỹ dẫn đầu liên minh gồm nhiều nước trong và ngoài khu vực, trong đó có lực lượng đến từ Anh, Pháp, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Úc và cung cấp hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.

Ngoài liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, hàng trăm ngàn tay súng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon và Iraq đã kéo sang Syria, ông Ghassan Kadi – chuyên gia Trung Đông và nhà phân tích chính trị gốc Syria nhớ lại.

“Họ được trang bị đầy đủ vũ khí và được huấn luyện bài bản. Nếu không sử dụng sức mạnh trên không, việc loại bỏ những lực lượng này sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn” – ông Kadi nhấn mạnh.

Đến tháng 9-2015, các nhóm khủng bố đã tiến rất gần tới thủ đô Damascus của Syria, nơi chỉ còn gần 2-3 tuần nữa là rơi vào tay các nhóm khủng bố, ông Basma Qaddour – nhà báo Syria và là người đứng đầu bộ phận tin tức tại báo The Syria Times cho biết.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, động thái quân sự của Nga vào ngày 30-9-2015 được coi là một “bước ngoặt lớn”.

“Vai trò lớn nhất mà Nga thực hiện về mặt quân sự là sử dụng sức mạnh trên không và sự tinh thông về cách chiến đấu trong môi trường đô thị dày đặc. Điều này đã tạo ra sự cân bằng quyền lực chống lại những kẻ xâm lược và có lợi cho quân đội Syria” – ông Kadi lưu ý.

Liên minh Nga – Syria đạt được những mục tiêu gì?

Đến tháng 12-2017, liên minh Nga – Syria đã tiêu diệt 60.318 tay súng khủng bố, trong đó có 819 thủ lĩnh khủng bố cũng như giải phóng 1.024 khu định cư, đáng chú ý nhất là những TP chiến lược Aleppo, Palmyra, Akerbat, Deir ez-Zor, Meyadin và Abu Kemal.

Lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung gần thị trấn Darbasiyah (Syria) tháng 11-2019. Ảnh: Baderkhan Ahmad/AP

Với sự yểm trợ của Lực lượng không gian vũ trụ Nga, Quân đội Ả rập Syria đã phá hủy những thành trì lớn của IS ngoại trừ tỉnh Idlib ở tây bắc đất nước vẫn còn nằm trong tay phe nổi dậy.

Vì thế, sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria và sự thành công của chiến dịch chống khủng bố trên không đã khiến bất kỳ cuộc tấn công tổng lực nào trong tương lai của NATO đều bị gạt sang một bên, chuyên gia Kadi nhận định.

Tháng 12-2017, Tổng thống Putin thông báo rút binh sĩ Nga khỏi Syria vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống IS. Tuy vậy, Moscow tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Syria. Nói chung, liên minh Nga-Syria đã tiêu diệt hơn 133.000 quân khủng bố, chính phủ Damascus đã kiểm soát 88% lãnh thổ đất nước.

Song song với nỗ lực quân sự của mình, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn xếp các cuộc hòa đàm giữa phái đoàn chính phủ Syria và lực lượng đối lập ở Astana (Kazakhstan) cuối tháng 12-2016.

Trong những năm sau đó, các cuộc đàm phán theo định dạng Astana do Moscow, Tehran và Ankara dẫn đầu đã giúp làm giảm tính ác liệt của các vụ đụng độ bằng cách ký kết thỏa thuận ngừng bắn và thành lập bốn vùng giảm xung đột tại Syria.

“Ở đây, chúng ta có thể chỉ ra thực tế rằng các cuộc hòa đàm Astana nhằm vào một trật tự Syria thời hậu chiến như một giải pháp thay thế hiệu quả cho những nỗ lực tương tự của Liên Hợp Quốc (LHQ)” – ông Qaddour nhấn mạnh, nhắc tới các cuộc hòa đàm Geneva về tình hình Syria được tổ chức từ tháng 6-2012 dưới sự bảo trợ của LHQ.

Những trở ngại trên con đường khôi phục hòa bình và trật tự

Dù vậy, tiến trình hòa bình phần lớn bị cản trở do sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, bà Qaddour chỉ ra. Ông nhấn mạnh rằng những lực lượng nước ngoài này phải rút quân khỏi Syria.

Đề cập vấn đề căn cứ quân sự Mỹ-SDF trong khu vực, nhà báo này cho rằng lực lượng kháng chiến Syria có khả năng đánh bật họ khỏi những khu vực này. Tháng 8-2020, các thủ lĩnh bộ lạc Syria ở Deir ez-Zor và Aleppo yêu cầu Mỹ và người Kurd rút khỏi khu vực.

Một khu dân cư bị phá hủy trong cuộc không kích của quân chính phủ Syria tại tỉnh Aleppo năm 2014. Ảnh: AFP

“Vấn đề ở chỗ SDF được Mỹ hậu thuẫn tại đông Syria hiện kiểm soát khoảng 70% nguồn tài nguyên dầu mỏ quốc gia của Syria và nhiều cơ sở khí đốt có giá trị. Đông Euphrates thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chiếm đóng Mỹ và SDF” – bà Qaddour nói.

Bên cạnh đó, bà Qaddour chỉ ra tỉnh Idlib (tây bắc Syria) vẫn còn nằm trong tay các nhóm khủng bố. Bà nhấn mạnh khoảng 85% quân khủng bố ở Idlib có liên hệ với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Ông Kadi cũng bày tỏ lo ngại tương tự: “Ngoài những tay súng không phải người Syria – những người đã bị tiêu diệt hoặc bỏ trốn, những tay súng Syria thực sự còn lại đều ở Idlib, do đó bất kỳ cuộc đàm phán hòa giải nào đều sẽ phải chờ cho tới khi khu vực này hoàn toàn do chính phủ Syria kiểm soát” – ông Kadi nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ - nước giám sát khu vực giảm xung đột Idlib từng tuyên bố tách bạch phe đối lập ôn hòa với những kẻ khủng bố, giải phóng đường cao tốc M4 và thành lập hành lang an ninh xung quanh đường cao tốc này. Theo Moscow và Ankara, những thỏa thuận này đang dần dần được thực thi.

Nga sẽ giúp Syria khôi phục kinh tế thời hậu chiến

Ông Kadi chỉ ra vấn đề lớn cần giải quyết hiện nay là kinh tế Syria, viện dẫn vấn đề dầu mỏ Syria và Đạo luật Caesar của Mỹ đang bóp nghẹt Syria.

 “Trật tự lấy phương Tây làm trung tâm đã khiến các quốc gia gần như không thể giao dịch và tương tác mà không phụ thuộc vào đồng đô la, Internet và hệ thống ngân hàng SWIFT. Bất kỳ quốc gia nào hứng lệnh trừng phạt của phương Tây đều có nguy cơ bị cô lập” – vị chuyên gia về Trung Đông nói.

Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ năm thảo luận về tiến trình hòa bình Syria. Ảnh: TASS

Trước tình hình đó, Damascus đang mở rộng quan hệ kinh doanh với Nga để tạo điều kiện khôi phục kinh tế. Trong chuyến thăm Syria, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho hay Moscow đã trình một gói đề xuất kinh tế cho Syria hồi tháng 7 nhằm xử lý cuộc khủng hoảng hậu chiến tranh và lệnh trừng phạt của Mỹ. Dự kiến những đề xuất này sẽ được chốt hạ vào tháng 12-2020.

Những khó khăn kinh tế cùng sức ép của phương Tây đã khiến những quốc gia trong khu vực, đáng chú ý nhất là Syria và Iran thành lập các liên minh và đối tác kinh tế mới, ông Kadi lưu ý.

Theo ông Kadi, chính sách trừng phạt của Mỹ nhất định thất bại khi phương Tây không còn là trung tâm sản xuất ngay cả những mặt hàng tiên tiến nữa. Nhà phân tích chính trị này cho rằng trong tương lai gần các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran và Syria, về lý thuyết, sẽ có thể cung cấp cho nhau tất cả nhu cầu cơ bản của họ mà không cần phải sử dụng tới hàng nhập khẩu của phương Tây.

Cuộc xung đột Syria và những sự kiện sau đó lần nữa chứng minh rằng những ngày của trật tự thế giới lấy phương Tây làm trung tâm thời hậu chiến tranh lạnh không còn nữa, bà Qaddour đánh giá.

“Mỹ thúc đẩy một chương trình nghị sự chống lại thế giới nhằm để không phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng Mỹ không còn là siêu cường duy nhất của thế giới và nước này phải thích ứng với một thế giới ngày càng đa cực” – bà Qaddour kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm