Từ em bé chết chìm đến chiến sự Syria

Ngày 6-9, hàng ngàn người nhập cư đã quá cảnh ở Hungary tiếp tục lên đường sang Áo và tiếp tục đến Đức.

Cùng ngày, Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo Úc vẫn giữ chỉ tiêu tiếp nhận người nhập cư năm 2015-2016 là 13.750 người, tuy nhiên Úc sẵn sàng tiếp nhận thêm người nhập cư Syria trong khuôn khổ chương trình tiếp nhận nhân đạo.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân Syria tản cư ồ ạt là nội chiến Syria từ bốn năm nay và quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Sau khi bức ảnh em bé Aylan Kurdi nằm chết trên bãi biển lan truyền khắp thế giới, Anh và Pháp đã muốn tấn công vào cội nguồn dẫn đến di dân.

Báo Sunday Times (Anh) ngày 5-9 dẫn nguồn tin cấp cao tiết lộ đầu tháng 10, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ đề nghị Quốc hội cho phép Anh không kích chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

 
Ngày 6-9, người nhập cư từ Hungary đến Munich (Đức) đã giơ cao ảnh thủ tướng Đức như lời cảm ơn nước Đức đã cưu mang họ. Ảnh: GETTY IMAGES

Song song đó, Anh cũng dự kiến đưa quân đội và cơ quan tình báo mở chiến dịch trấn áp bọn buôn người di cư sang châu Âu.

Phát biểu tại hội nghị các bộ trưởng Tài chính G20 ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 5-9, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhấn mạnh châu Âu phải tham gia giải quyết xung đột ở Syria vì Syria là nguồn gốc dẫn đến làn sóng di dân.

Chính phủ Pháp cũng đang nghiên cứu giải pháp tham gia không kích chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Theo báo Le Monde (Pháp), Tổng thống François Hollande sẽ thông báo vấn đề này tại cuộc họp báo ngày 7-9. Báo dẫn nguồn tin cấp cao khẳng định tổng thống đã chấp thuận và trong những tháng tới, máy bay Pháp đóng ở Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sẽ bắt đầu bay trinh sát ở Syria.

Từ trước đến nay, Anh và Pháp chỉ giới hạn các phi vụ không kích chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.

Có nhiều lý do để giải thích vì sao Anh và Pháp muốn không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ngoài yếu tố bức ảnh bé Aylan Kurdi chết chìm gây dư luận sôi sục còn có hai lý do chính.

- Đến nay chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo không mang lại hiệu quả. Bộ máy đầu não của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa (Syria) vẫn hoạt động. Nguy cơ chiến sự có thể còn kéo dài.

- Vai trò của Nga trong nội chiến Syria. Pháp và Anh ủng hộ phe đối lập Syria trong khi Nga ủng hộ tổng thống Syria về ngoại giao cũng như cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ Syria.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ông John Kerry đã bày tỏ quan tâm đến thông tin Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria.

Ông khẳng định nếu Nga quyết định như thế thì xung đột Syria có thể leo thang, số người chết và người di dân sẽ gia tăng đồng thời sẽ xảy ra nguy cơ đối đầu với liên minh do Mỹ đứng đầu đang tấn công Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Canada-Pháp: Chiều 5-9, hàng trăm người tuần hành tại Montréal để đề nghị nhận thêm người nhập cư. Họ cầm theo ảnh bé Aylan Kurdi với dòng chữ “Đây là con cái chúng ta”. Cùng ngày, hơn 10.000 người biểu tình ở Pháp để phản đối chính sách trấn áp người nhập cư và đề nghị đón thêm người nhập cư.

Hy Lạp: Ngày 5-9 là ngày thứ hai cảnh sát xung đột với những người nhập cư trên đảo Lesbos. Hàng ngàn người phong tỏa đường sá để tố cáo sinh hoạt trong trại tị nạn tồi tệ, thủ tục đăng ký rề rà. Cảnh sát phải dùng hơi cay giải tán. Thị trưởng Lesbos dọa sẽ tẩy chay bầu cử (hôm 20-9) nếu không được trợ giúp.

15.000 người nhập cư Syria được tiếp nhận thêm theo thông báo của Thủ tướng Anh David Cameron. Anh không tham gia cơ chế chia quota nhập cư của EU.

 ____________________________________

Tôi muốn cám ơn các vị.

(Thư của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve gửi
các thị trưởng ngày 6-9 để cảm ơn họ đã đón tiếp người nhập cư)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm