Từ 1-8, Trung Quốc siết game online

Từ ngày 1-8, biện pháp mới về quản lý trò chơi trực tuyến (game online) của Bộ Văn hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Đây văn bản pháp luật đầu tiên về quản lý trò chơi trực tuyến của Trung Quốc nhằm thống nhất các quy định trước nay liên quan đến trò chơi trực tuyến để tiện bề quản lý.

Phạm vi của biện pháp mới bao gồm nội dung trò chơi trực tuyến, thị trường trò chơi trực tuyến, hoạt động kinh doanh, giám sát quản lý và trách nhiệm pháp luật đối với trò chơi trực tuyến.

Cụ thể, các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến phải yêu cầu khách hàng đăng ký bằng họ tên thật theo chứng minh thư nhân dân có hiệu lực và phải lưu giữ thông tin của khách hàng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường văn hóa (Bộ Văn hóa) Lý Hùng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa ban hành biện pháp mới về quản lý trò chơi trực tuyến với nguyên tắc ưu tiên là bảo vệ trẻ vị thành niên bởi trò chơi trực tuyến phát triển mạnh trong những năm gần đây đã kéo theo nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm như nghiện chơi trò chơi trực tuyến, tranh chấp tài sản ảo.

Từ 1-8, Trung Quốc siết game online ảnh 1

On the Internet, nobody knows you’re a dog = Trên Innernet, không ai biết bạn là chó đâu (tranh biếm của họa sĩ PETER STEINER đăng trên báo Mỹ The New Yorker)

Để đối phó với tình trạng trẻ vị thành niên suốt ngày bám máy chơi trò chơi trực tuyến, các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến phải áp dụng các biện pháp bảo vệ như sau:

- Căn cứ vào nội dung trò chơi để có lời cảnh cáo đối với người chơi.

- Trò chơi dành cho trẻ vị thành niên không được vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.

- Hạn chế thời gian chơi.

- Không cung cấp giao dịch tiền ảo. Phạm vi sử dụng tiền ảo trong trò chơi trực tuyến chỉ được dùng để trao đổi các dịch vụ và sản phẩm mà trò chơi đó cung cấp.

- Danh mục giao dịch mua bán trong trò chơi trực tuyến phải được lưu giữ từ 180 ngày trở lên.

Nhà cung cấp dịch vụ giao dịch ảo phải đăng ký với cơ quan quản lý văn hóa từ cấp tỉnh trở lên về tình hình phát hành tiền ảo như chủng loại, giá cả, tổng số lượng phát hành.

Ông Lưu Cường, Trưởng phòng Văn hóa Internet thuộc Vụ Thị trường văn hóa (Bộ Văn hóa), cho biết các trò chơi trực tuyến do Trung Quốc sản xuất phải đăng ký mới được phép phát hành, còn các trò chơi trực tuyến nhập khẩu đều phải qua Bộ Văn hóa thẩm tra nội dung.

Hiện nay, nhiều vụ tranh chấp lợi ích đã xảy ra giữa các khách hàng chơi trò chơi trực tuyến hoặc giữa khách hàng với công ty cung cấp trò chơi trực tuyến. Các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến khi giải quyết tranh chấp thường đùn đẩy trách nhiệm. Một số công ty còn gài trong hợp đồng những điều khoản bất lợi cho khách hàng.

Do đó, biện pháp mới về quản lý trò chơi trực tuyến của Bộ Văn hóa quy định: Các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trên cơ sở quy phạm hoạt động kinh doanh của công ty.

Một mặt, công ty phải giải quyết hợp lý các tranh chấp, công khai phương pháp xử lý tranh chấp trên trang web dịch vụ của công ty; mặt khác, nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa công ty với khách hàng phải tuân theo điều khoản bắt buộc của hợp đồng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến do Bộ Văn hóa ban hành.

HOÀNG HẠNH (Theo trang web Bộ Văn hóa Trung Quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm