TT Putin: Armenia rút khỏi thỏa thuận với Azerbaijan là tự sát

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu chính phủ Armenia rút khỏi lệnh ngừng bắn với Azerbaijan do Nga làm trung gian thì sẽ là hành động tự sát.

Ông Putin ra cảnh báo trên trong bối cảnh lực lượng đối lập ở Armenia biểu tình phản đối lệnh ngừng bắn vốn có hiệu lực hơn một tuần, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức, theo báo The Guardian.

Sai lầm lớn

Trả lời phỏng vấn một đài truyền hình nhà nước Nga về thỏa thuận hôm 17-11, Tổng thống Putin được hỏi về khả năng chính phủ mới lên nắm quyền tại Armenia sẽ từ bỏ thỏa thuận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Guardian

“Đó sẽ là một sai lầm lớn” – ông Putin cảnh báo.

Thỏa thuận đình chiến Nagorno - Karabakh mang lại cho Azerbaijan những nhượng bộ đáng kể về lãnh thổ sau sáu tuần giao chiến với Armenia. Ngược lại, thỏa thuận được coi là sự đầu hàng của Armenia và dấy lên làn sóng biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Pashinyan. Tổng thống nước này Armen Sarkissian kêu gọi một cuộc bầu cử sớm và Ngoại trưởng nước này đã từ chức trong tuần này liên quan tới thỏa thuận gây tranh cãi.

Lực lượng an ninh Armenia tuần trước cho biết họ đã ngăn chặn một âm mưu ám sát nhằm vào ông Pashinyan có liên quan tới một chính trị gia đối lập và một cựu binh chiến tranh.

Ông Pashinyan cho biết ông không có kế hoạch từ chức, song hôm 17-11, ông đưa ra một lộ trình thoát khỏi khủng hoảng nhằm bảo đảm sự ổn định dân chủ của Armenia.

Kế hoạch gồm 15 điểm bao gồm hỗ trợ những người bị thương trong chiến tranh, đưa người tị nạn Armenia trở lại Nagorno-Karabakh cùng kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Tất cả những bước đi này được thiết kế nhằm phản đối những ai cho rằng chính phủ làm không đủ để bảo vệ khu vực và người dân tại đây khỏi Azerbaijan.

Ông Pashinyan còn kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với sự tham gia của Nga, Pháp và Mỹ về tình trạng cuối cùng của Nagorno-Karabakh mà người Armenia gọi là Artsakh.

Thỏa thuận ngừng bắn không cho biết điều gì sẽ xảy ra tại Stepanakert, TP lớn nhất của Nagorno-Karabakh và những vùng lãnh thổ khác tại Nagorno-Karabakh sau khi hoạt động gìn giữ hòa bình của Nga kết thúc sau năm năm.

Lệnh ngừng bắn mở ra cơ hội bình thường hóa

Trả lời đài RT hôm 17-11, Tổng thống Putin nói rằng lệnh ngừng bắn do Nga dàn xếp giữa Armenia và Azerbaijan giúp chấm dứt tình trạng bạo lực tại khu vực Nagorno – Karabakh. Ông Putin nói thêm, tình trạng khu vực vẫn chưa được giải quyết nhưng con đường bình thường hóa đang mở ra.

Người dân tại TP Stepanakert của Nagorno-Karabakh. Ảnh: Aram Nersesyan/SPUTNIK

“Tình trạng cuối cùng của Nagorno-Karabakh chưa được giải quyết. Chúng tôi thống nhất duy trì hiện trạng tại đây” – ông Putin nói về số phận của khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh.

Ông Putin nói lệnh ngừng bắn giúp chấm dứt cảnh đổ máu, gọi đây là một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc đàm phán giữa giới lãnh đạo Armenia và Azerbaijan. Nhà lãnh đạo Nga gọi cuộc xung đột gần đây là “thảm kịch” thực sự ảnh hưởng tới nhiều gia đình của cả hai bên.

“Ước tính hơn 4.000 người đã chết. Tôi tin rằng con số thương vong còn cao hơn. Hàng vạn người đã bị thương hoặc nguy kịch”- ông Putin nói.

Ông Putin nói thêm: “Chúng tôi tin rằng sự cân bằng lực lượng nên được duy trì ngay cả khi đối mặt với những diễn biến nghiêm trọng như vậy”. Ông Putin nói thêm Nga đã nỗ lực hết sức để Armenia không cảm thấy bị bỏ rơi.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – liên minh quân sự của một số nước thời Liên Xô, trong đó Nga và Armenia là thành viên -  không thể can thiệp vào cuộc xung đột ủng hộ phía Armenia.

“Theo luật pháp quốc tế, Nagorno – Karabakh và những vùng liền kề là lãnh thổ không thể chối cãi của Azerbaijan” – ông Putin nói. Ông nói thêm CSTO chỉ có thể can thiệp trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược nhằm vào nước thành viên, song trường hợp này không ai xâm phạm lãnh thổ của Armenia.

Phát biểu về việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột gần đây, ông Putin nói rằng mặc dù người ta có thể đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về chuyện này, nhưng Ankara khó có thể bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: REUTERS

Moscow đã thuyết phục thành công Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế sự can thiệp của Ankara vào việc giám sát lệnh ngừng bắn nhằm tránh phản ứng tiêu cực từ Yerevan, ông Putin nói.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin tin rằng thỏa thuận hòa bình đặt nền tảng cho con đường bình thường hóa.

“Các bên đã đồng ý khôi phục liên lạc vận tải, quan hệ kinh tế. Đây là điều hết sức quan trọng, tạo nền tảng tốt để bình thường hóa quan hệ về lâu dài” – ông Putin nhấn mạnh.

Ông Putin tin rằng nếu Baku và Yerevan đưa mối quan hệ của họ trở lại đúng quỹ đạo và tạo điều kiện để người dân có cuộc sống bình thường, đặc biệt là tại vùng xung đột thì điều đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng của Nagorno- Karabakh.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ duyệt triển khai quân tới Nagorno-Karabakh

Theo kênh Al Jazeera, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-11 phê duyệt việc triển khai quân gia nhập lực lượng Nga tại trạm quan sát ở Nagorno – Karabakh.

Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú tại trạm quan sát này một năm như một phần của thỏa thuận giữa Ankara và Moscow nhằm giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn.

Khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình Nga đang triển khai tới khu vực.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trung tâm này sẽ hoạt động từ xa, sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện kỹ thuật khác để giám sát những vi phạm có thể xảy ra.

Các quan chức Nga cho biết sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ giới hạn trong công việc của trung tâm giám sát trên đất Azerbaijan và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đi tới Nagorno-Karabakh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm