Truyền thông TQ: Trung Quốc thử nghiệm 'trực thăng dưới nước' tại Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Trang Taiwanenglishnews.com dẫn truyền thông Trung Quốc ngày 6-9 đưa tin các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm thành công một loại phương tiện lặn không người lái tự hành mới, còn được gọi là “trực thăng dưới nước”.

Theo trang Science Times (Trung Quốc), các cuộc thử nghiệm trên đã được thực hiện thành công tại Biển Đông, gồm các hoạt động cất cánh, hạ cánh, cập vào sân đỗ tàu ngầm, lái 360 độ, di chuyển lơ lửng tại điểm cố định, sạc không dây, định vị và theo dõi bằng âm thanh và các chức năng khác.

Thiết bị "trực thăng dưới nước" của Trung Quốc. Ảnh: SI YULIN / SCIENCE TIMES

Các đơn vị tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) trọng điểm quốc gia "công nghệ và thiết bị trọng điểm sâu" liên quan dự án này bao gồm ĐH Chiết Giang, Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Học viện Kỹ thuật và Khoa học biển sâu Trung Quốc, ĐH Nam Kinh và ĐH Hồ Hải.

Theo Science Times, thiết bị “trực thăng dưới nước” này đã lặn thành công xuống độ sâu hơn 1.000 m.

Nhóm chuyên gia nghiệm thu thiết bị nhất trí rằng khái niệm về “trực thăng dưới nước” là mới lạ và sáng tạo, và tất cả các chỉ số kỹ thuật trong quá trình nghiệm thu trên biển đều đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ, có triển vọng ứng dụng rộng rãi.

Science Times dẫn lời ông Si Yulin - thuộc Khoa Hải dương học của ĐH Chiết Giang đồng thời là trưởng nhóm thử nghiệm của dự án – cho biết: “Thành công của cuộc thử nghiệm trên biển này chứng minh rằng công nghệ trực thăng dưới nước là khả thi, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu máy bay trực thăng dưới nước và tiến bộ trong phát triển công nghệ tàu lặn không người lái trên biển”.

Công nghệ này được đánh giá là “một khái niệm mới về phương tiện lặn không người lái tự hành với các quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập ở Trung Quốc”, Science Times đưa tin. 

Hình ảnh Trung Quốc thử nghiệm "trực thăng dưới nước" . Ảnh: SI YULIN / SCIENCE TIMES

Công nghệ này có thể được sử dụng để quan sát di động đáy biển, thăm dò tài nguyên đáy biển, hành trình và phát hiện khu vực đáy biển, giám sát và bảo trì đường ống dưới nước, cứu hộ, khảo cổ dưới đáy biển, nuôi trồng thủy sản biển, vận hành và quản lý năng lượng gió ngoài khơi và các ứng dụng khác.

"Lấy cảm hứng từ máy bay trực thăng trên không, nhằm cải thiện khả năng cơ động của tàu lặn và làm phong phú thêm chế độ làm việc của tàu lặn, chúng tôi đã đề xuất ý tưởng về trực thăng dưới nước" - thành viên Huang Haocai thuộc dự án cho biết, nói thêm rằng nhóm nghiên cứu muốn mở rộng phạm vi của mạng lưới quan sát dưới nước bằng "trực thăng dưới nước".

"Khả năng cơ động của các tàu lặn hiện có cần được cải thiện và có rất ít tàu lặn chuyên hoạt động dưới đáy biển" – thành viên này nói thêm.

Thiết bị "trực thăng dưới nước" của Trung Quốc. Ảnh: SI YULIN / SCIENCE TIMES

"Dưới biển cả vô tận, thật không dễ dàng để điều hướng chính xác trực thăng dưới nước theo lộ trình đã định và hạ cánh trên sân đỗ. Cần phải có một hệ thống định vị đặc biệt dưới nước. Chúng tôi đã phát triển một hệ thống định vị đường cơ sở cực ngắn đảo ngược, kết hợp với hướng dẫn tổng hợp bằng âm thanh và ánh sáng, để các máy bay trực thăng dưới nước có thể vượt qua khó khăn và cập bến chính xác tại sân đỗ" – thành viên Huang cho biết.

Theo Science Times, dự án "trực thăng dưới nước" chính thức được khởi động tại ĐH Chiết Giang vào tháng 7-2017.

Trong bước tiếp theo, nhóm sẽ làm việc với Phòng thí nghiệm biển Hoa Đông và các doanh nghiệp địa phương ở TP. Chu San (tỉnh Chiết Giang) để nghiên cứu cách tối ưu hóa và cải thiện hiệu suất của "trực thăng dưới nước", đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của thiết bị này.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm