Truyền thông gây nguy hiểm và rối loạn công tác cứu hộ

Họp báo chiều 9-7, chỉ huy cứu hộ Narongsak Osottanakorn đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc với cánh truyền thông đang tập trung đưa tin cuộc giải cứu đội bóng nhí bị mắc kẹt trong hang động Tham Luang.

Sở dĩ thế vì trước đó một cơ quan truyền thông đã triển khai trái phép một máy bay không người lái bay trên hiện trường cứu hộ, một cơ quan khác lại xâm nhập hệ thống tần số phát thanh của cảnh sát rồi sử dụng nó để đưa tin.

Theo Trung tướng cảnh sát Chairat Panngao - Phó Tư lệnh cảnh sát khu vực, chiếc máy bay không người lái bay trên không giữa lúc một chiếc trực thăng cất cánh chở một cầu thủ nhí vừa được cứu ra đến bệnh viện. Chủ sở hữu chiếc máy bay không người lái này là đài truyền hình kỹ thuật số PPTV (Thái Lan).

Chiếc máy bay không người lái (trong vòng tròn) bay sát cạnh một trực thăng của quân đội Thái Lan vừa cất cánh chở một cầu thủ nhí vừa được cứu khỏi hang động về bệnh viện. Ảnh: AFP

Chiếc máy bay không người lái (trong vòng tròn) bay sát cạnh một trực thăng của quân đội Thái Lan vừa cất cánh chở một cầu thủ nhí được cứu khỏi hang động đến bệnh viện. Ảnh: AFP

“Không thích hợp chút nào. Thậm chí nếu họ được cấp phép đi nữa cũng không có nghĩa họ có thể bay bất cứ đâu họ muốn” - ông Chairat nói. Chưa hết, trong quá trình kiểm tra, cảnh sát còn phát hiện có một chiếc máy bay không người lái khác bay vờn quanh khu vực.

Ông Chairat cũng đề nghị truyền thông ngừng chạy đua, cạnh tranh nhau để có được những bức ảnh hay bài báo hay hơn, chỉ nên sử dụng thông tin và hình ảnh được lực lượng cứu hộ cung cấp.

“Chúng ta đều biết rằng điều khiển một máy bay không người lái trong một khu vực chưa được cấp phép trước là một vi phạm rõ ràng. Một cơ quan truyền thông vẫn tiếp tục cho máy bay không người lái bay trong khu vực dù chúng tôi đã đề nghị họ hợp tác” - ông Narongsak nói.

Cảnh sát và quân đội Thái di chuyển một thành viên đội bóng nhí từ trực thăng xuống xe cứu thương tại một căn cứ quân sự ở Chiang Rai ngày 9-7. Ảnh: AFP

Cảnh sát và quân đội Thái di chuyển một thành viên đội bóng nhí từ trực thăng xuống xe cứu thương tại một căn cứ quân sự ở Chiang Rai ngày 9-7. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, chính cơ quan truyền thông đã xâm nhập tần số phát thanh của cảnh sát đã đưa thông tin sai lệch rằng có tới sáu thành viên đội bóng được cứu trong ngày 8-7, dù thực tế chỉ có bốn. Cảnh sát đang điều tra hai vụ việc.

“Chúng tôi phải trả lời hàng loạt câu hỏi của người dân về chính xác số cậu bé được cứu” - ông Narongsak cho biết.

Ông Narongsak cho biết ông rất thất vọng về các vụ việc này nhưng hy vọng đây là hành động của chỉ một cơ quan riêng lẻ chứ không phải ý chung của tất cả cơ quan truyền thông.

Trước mắt, đài truyền hình kỹ thuật số PPTV đưa ra lời xin lỗi vì đã điều khiển máy bay không người lái bay gần lúc trực thăng cất cánh chở cầu thủ nhí về bệnh viện. PPTV nói mình không cố tình vi phạm quy định, không nghĩ hành động này cản trở và gây nguy hiểm cho công việc cứu hộ, xin lỗi nếu việc này ảnh hưởng đến cứu hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm