Trước siêu thứ Ba: Ôn hòa Biden lợi thế hơn cấp tiến Sanders

Cuộc bầu cử sơ bộ siêu thứ Ba 3-3 (giờ Mỹ) diễn ra ở 14 bang: California, Texas, Virginia, Massachusetts, Tennessee, Alabama, Arkansas, Oklahoma, Minnesota, Vermont, Colorado, Utah, North Carolina, Maine, cùng với lãnh thổ American Samoa và các thành viên Dân chủ sống ở nước ngoài.

Cuộc bầu cử sơ bộ siêu thứ Ba ở 14 bang có tổng cộng 1.357 đại biểu – tương đương gần 1/3 tổng số đại biểu. Để có được đề cử, ứng viên phải thu thập được 1.991 đại biểu.

Ôn hòa đấu cấp tiến

Cuộc đua giành đề cử bên đảng Dân chủ tham gia chạy đua tổng thống Mỹ cuối năm nay ngày càng thể hiện rõ là cuộc cạnh tranh giữa hai phe ôn hòa và cấp tiến.

Từ hơn 20 ứng viên ban đầu, cuộc đua giành đề cử bên Dân chủ hiện còn năm ứng viên: Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard.

Có thể thấy hiện tại nổi lên bên phe ôn hòa là hai ứng viên: ông Biden và ông Bloomberg. Nổi lên bên phe cấp tiến là ông Sanders và bà Warren.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders – hai ứng viên đại diện hai phe ôn hòa và cấp tiến bên đảng Dân chủ. Ảnh: VOX

Trong số các ứng viên hiện tại, nhân vật được các thành viên Dân chủ theo chủ trương ôn hòa - bộ phận có ảnh hưởng lớn trong đảng muốn trở thành người đứng ra đấu với ứng viên Cộng hòa là ông Biden. Bộ phận thành viên Dân chủ theo chủ trương ôn hòa lo ông Sanders sẽ không thắng nổi đương kim Tổng thống Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua tháng 11 tới.

Phe ôn hòa quyết dồn phiếu cho ông Biden

Ngày 1-3, ứng viên Dân chủ Pete Buttigieg - cựu Thị trưởng South Bend bang Indiana tuyên bố rời cuộc đua. Một ngày sau đó ông Buttigier thông báo ông chuyển sang ủng hộ ông Biden.

Cựu Thị trưởng South Bend (bang Indianna) Pete Buttigieg (phải) từ bỏ cuộc đua và ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden (trái). Ảnh: REUTERS

Ông Buttigieg đề nghị người ủng hộ mình chọn người không những có thể đánh bại ông Trump mà còn giúp mang lợi thế cho đảng Dân chủ trong cuộc đua nghị viện, đảm bảo đảng Dân chủ củng cố thế đa số ở Hạ viện và tăng khả năng giành quyền kiểm soát Thượng viện từ đảng Cộng hòa.

Cũng trong ngày 2-3, ông Biden tiếp tục nhận ủng hộ của nữ thượng nghị sĩ Amy Klobuchar sau khi bà này tuyên bố từ bỏ cuộc đua.

Nữ thượng nghị sĩ Amy Klobuchar cũng tuyên bố ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: DW

Và theo báo New York Times, cựu hạ nghị sĩ Beto O’Rourke – vốn từng là ứng viên Dân chủ và đã rời cuộc đua - nhiều khả năng cũng sẽ ủng hộ ông Biden.

Ông Sanders sẽ lại có tình huống giống năm 2016 với bà Clinton?

Ngày 29-2, ông Biden có chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina, thắng tới gần 50% phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ nặng ký nhất Sanders chỉ được 20% phiếu bầu. Ông Biden đã được cựu cấp trên của mình – cựu Tổng thống Barack Obama gọi điện chúc mừng.

Theo ông Scott Ritter - cựu chuyên viên tình báo của quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ, chiến thắng của ông Biden tại South Carolina làm thay đổi đường đua sơ bộ của đảng Dân chủ, vốn trước đó nghiêng hẳn về ông Sanders. Tuy nhiên, sự rút lui của ông Buttigieg gợi nhớ lại các ký ức năm 2016, khi Ủy ban Dân chủ Quốc gia chủ ý thiên vị, cản phá ông Sanders.

Kỳ tranh cử tổng thống năm 2016, một loạt thư điện tử của ứng viên – cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bị rò rỉ cho thấy nhiều thành viên cấp cao trong đảng nỗ lực ủng hộ bà Clinton và loại ông Sanders.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tranh đua với thượng nghị sĩ Bernie Sanders năm 2016. Ảnh: THE NATION

Trong ngày 1-3, trước khi ra tuyên bố rút lui, ông Buttigieg có cuộc gặp với cựu Tổng thống Dân chủ Jimmy Carter. Cuộc gặp này, cùng nhiều cuộc gặp khác mà đội tranh cử của ông Buttigieg thực hiện với Ủy ban Dân chủ Quốc gia có vẻ là lý do đằng sau thông báo rút lui bất ngờ của ông, theo ông Ritter.

Bằng việc rút lui trước cuộc bầu cử sơ bộ siêu thứ Ba, ông Buttigieg hy vọng những người ủng hộ ôn hòa sẽ dồn phiếu cho ông Biden, giúp ông Biden có thể ngăn ông Sanders chiếm được thế đa số trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Hội nghị Dân chủ Quốc gia tháng 7 tới. Lúc đó, theo quy định, đảng Dân chủ sẽ phải bỏ phiếu vòng hai và lúc đó 764 “siêu đại biểu” – các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ - sẽ vào cuộc.

Bộ phận thành viên chủ chốt của Dân chủ lâu nay vẫn xem ông Sanders không đại diện cho các giá trị của đảng. Với việc huy động ủng hộ đằng sau ông Biden cùng với thuyết phục ông Buttigieg rút lui đúng thời điểm, dường như Ủy ban Dân chủ Quốc gia đang lặp lại chiến thuật giống như năm 2016 với ông Sanders.

 
   

Tham gia cuộc đua trễ, ông Bloomberg sẽ chính thức mở màn chiến dịch bầu cử sơ bộ của mình trong ngày siêu thứ Ba. Ông Bloomberg đã chi 500 triệu USD cho các hoạt động quảng bá vận động với niềm tin sẽ bù lại được số đại biểu mà ông không đạt được tại các kỳ bầu cử sơ bộ trước ở Iowa, New Hampshire, Nevada, South Carolina.

Nói với Fox News ngày 2-3 ông Bloomberg cho rằng viễn cảnh dễ xảy ra nhất là không ứng viên Dân chủ nào thắng được đa số đại biểu để được đề cử. Và cách để chọn ra nhân vật đề cử là thông qua thương lượng giữa các ứng viên tại đại hội đảng Dân chủ ở TP Milwaukee (bang Wisconsin) tháng 7 tới.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm