Trung-Đài hợp tác trong tranh chấp biển Đông?

Tạp chí World Politics Review của Mỹ ngày 10-8 đã có bài viết nhận định khả năng Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan hợp tác trong vấn đề tranh chấp biển Đông là rất lớn và đang đến gần.

Từ năm 2010, Học viện Quân sự Trung Quốc đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi Đài Loan hợp tác để bảo vệ quyền lợi chung ở biển Đông. Trong năm này, Trung Quốc đã mời các cựu quan chức quân đội Đài Loan dự hội nghị thảo luận về khả năng hợp tác trên biển Đông và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Đến nay chính quyền Đài Loan chưa chính thức nhận lời các đề nghị trên nhưng đã bày tỏ thiện chí hợp tác với Trung Quốc về năng lượng trên biển Đông và cùng sử dụng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trong một cuốn sách được Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông của Trung Quốc và Đại học Chính trị quốc gia của Đài Loan hợp tác thực hiện và mới phát hành, hai bên đều mong muốn nỗ lực hợp tác trên vùng biển Đông tranh chấp, bắt đầu bằng các hoạt động chung như chống buôn lậu, bảo vệ môi trường. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vẫn phủ nhận Đài Loan đứng một phía với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Theo tạp chí World Politics Review, về mặt danh chính ngôn thuận, Đài Loan sẽ tiếp tục bác bỏ ý tưởng này ít nhất đến khi Quốc dân đảng của ông Mã Anh Cửu chiến thắng bầu cử năm 2012.

Trung-Đài hợp tác trong tranh chấp biển Đông? ảnh 1

Chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn của Việt Nam chuẩn bị tuần tra. Ảnh: QUỲNH TRANG

Song nhìn kỹ lại thì Đài Loan có vẻ đã bắt đầu đặt nền móng cho cuộc bàn luận khả năng hợp tác. Bằng chứng rõ nhất là phản ứng của Đài Loan đối với căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên biển Đông.

Thay vì góp phần giảm bớt căng thẳng, các nghị sĩ Đài Loan lại kêu gọi chính quyền triển khai lính thủy đánh bộ và vũ khí lên đảo Ba Bình. Hôm 4-8, một quan chức cấp cao của Đài Loan còn bay ra đảo Ba Bình.

Tạp chí World Politics Review nhận định nhìn bề ngoài đây là bước đi của chính quyền Mã Anh Cửu nhằm đánh bóng cá nhân ông và gia tăng áp lực lên Philippines, Việt Nam và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, thực chất chỉ có Philippines và Việt Nam cảm nhận được áp lực và sau cùng sẽ có thái độ phản đối, còn Trung Quốc sẽ vẫn bình chân như vại.

Báo Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết: ngày 13-8, không quân Trung Quốc có thể huấn luyện không quân từ tàu sân bay vừa chạy thử hôm 10-8. Nội dung huấn luyện gồm hạng mục tiếp cận tàu từ trên không. Máy bay đáp xuống tàu và cất cánh ngay chứ không hạ cánh hoàn toàn. Nguồn tin nêu trên cho biết cơ quan chức năng đã thông báo ngăn chặn tàu thuyền và thông tin liên lạc trên vùng biển thuộc tỉnh Liêu Ninh để phục vụ cho huấn luyện. Máy bay huấn luyện có thể là máy bay J-15 cải tiến từ máy bay tiêm kích Su-33 Flanker của Nga. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận. Hôm 12-8, tức hai ngày sau khi Mỹ đề nghị Trung Quốc giải thích về nhu cầu trang bị tàu sân bay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa đã tuyên bố với nội dung tương tự.

H.DUY (Theo AFP)

270.000 binh sĩ là quân số của lãnh thổ Đài Loan trong khi Trung Quốc có hơn 2,3 triệu quân. Ngân sách quốc phòng hằng năm của Trung Quốc trung bình gấp 21 lần ngân sách quốc phòng của Đài Loan.

Trong mắt nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, tàu sân bay Varyag là một nhân tố hủy hoại cán cân quân sự trong khu vực. Sự kiện Trung Quốc phát triển tàu sân bay có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc khẳng định mục đích con tàu là để tự vệ nhưng những lời này là vô nghĩa.

Báo DONGA ILBO của Hàn Quốc ngày 12-8

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm