Trung-Ấn và nguy cơ chiến tranh nguồn nước

Theo Tờ Asia Times, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang dần chuyển từ tranh chấp lãnh thổ sang một cuộc đối đầu mới về nguồn nước tại khu vực dãy Himalaya.

Nguyên nhân chính của căng thẳng mới này xuất phát từ việc Trung Quốc lên kế hoạch xây đập trên sông Yarlung Zangbao ở Tây Tạng. Khi chảy qua lãnh thổ Ấn Độ, con sông có tên Brahmaputra.

Theo một số nguồn tin cho biết, kế hoạch Đập Yarlung Zangbao đang được Trung Quốc tiến hành mà không cần thảo luận hoặc ký kết các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với Ấn Độ và Bangladesh ở hạ nguồn.

Trước đó, sự thiếu tham vấn của Trung Quốc với các nước láng giềng ở hạ nguồn sông Mekong vốn đã gây tranh cãi và phẫn nộ ở khu vực Đông Nam Á.

“Sợi dây thòng lọng” của Trung Quốc?

Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.

Đập Cảnh Hồng trên sông Mekong. Ảnh: Yang Zheng/CHINA DAILY.

Một báo cáo cho biết vào cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã giảm lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng trên sông Mekong để thử nghiệm thiết bị gần thị trấn Cảnh Hồng, phía nam tỉnh Vân Nam từ 1.904 m3/giây xuống 1.000 m3/giây, tức giảm đến 47% lưu lượng nước so với bình thường.

Tuy nhiên phải mất đến một tuần sau Trung Quốc mới thông báo cho các nước hạ lưu về việc điều tiết trên. Do đó đã dẫn đến tình trạng gián đoạn về vận chuyển và thương mại do các quốc gia vùng hạ lưu không đủ thời gian để chuẩn bị.

Thông báo trên của phía Trung Quốc chỉ được đưa ra sau khi công cụ Giám sát đập trên sông Mekong (MDM) của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ) thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC) về phát hiện dòng chảy bất thường trên dòng sông này.

Hồi tháng 10 năm ngoái, sau thời gian dài giữ bí mật, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu luồng chảy của sông Mekong với MRC.

MRC là cơ quan liên chính phủ với các thành viên gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trung Quốc không phải là thành viên của MRC.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy đối với dòng nước như một cây gậy để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia Đông Nam Á ở hạ lưu về các vấn đề khác, bao gồm cả sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Xung đột nhiều hơn là thỏa hiệp

Trung Quốc có thể dùng động lực tương tự như vậy để gây áp lực lên Ấn Độ thông qua kế hoạch xây dựng đập trên sông Yarlung Zangbao.

Nhưng nếu hai bên không đạt thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước, con đập nhiều khả năng gây ra xung đột song phương hơn là thỏa hiệp trong tương lai.

Bản đồ sông Yarlung Zangbao. Ảnh: FACEBOOK.

Sau cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới hồi tháng 6 năm ngoái khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng và cuộc xung đột biên giới năm 2017 gần biên giới với Bhutan, sự giận dữ đang gia tăng ở Ấn Độ khi Trung Quốc đơn phương quyết định kế hoạch xây dựng con đập.

Các bài xã luận trên báo Ấn Độ và các báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi đã nói rằng con đập sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh kế của các nước ở khu vực hạ lưu sông Yarlung Zangbao.

Tại Bangladesh, quốc gia có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, cũng đã có các tiếng nói phản đối về đập Yarlung Zangbao.

Các nhà vận động môi trường tại Bangladesh đề xuất các cuộc thảo luận đa phương nên được tổ chức trước khi Trung Quốc xây dựng bất kỳ con đập nào, theo hãng tin Reuters.

“Các nước láng giềng ở hạ nguồn của Trung Quốc có lý do chính đáng để lo ngại. Dòng nước sẽ bị gián đoạn ” - ông Sheikh Rokon, Tổng thư ký của các nhà vận động môi trường Riverine People ở Bangladesh cho biết.

Tranh cãi về nguồn nước đang làm gia tăng tình cảm chống Trung Quốc vốn đã bùng phát ở Ấn Độ, và do đó có thể có tác động đến an ninh khu vực.

Trung Quốc “thêm dầu vào lửa”?

Tranh cãi về nguồn nước giữa Ấn Độ và Trung Quốc có tác động tới tình hình an ninh khu vực, nơi đang có tranh chấp nhạy cảm.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.500 km chưa được phân định và còn tranh chấp, gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), kéo dài từ vùng Ladakh ở phía Bắc tới bang Sikkim của Ấn Độ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nơi dòng sông Brahmaputra chảy qua và gọi nơi này là “Nam Tây Tạng”.

Hai bên từng trải qua một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 ở khu vực trên và kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn. Kể từ đó, ổn định được duy trì một cách mong manh do thực tế vẫn chưa phân định biên giới và việc quân sự hóa từ hai phía.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Ấn Độ. Ảnh: Sanjay Baid/EPA.

Vào tuần đầu tiên của năm 2021, New Delhi đã công bố hàng loạt các dự án xây đường mới ở khu vực Arunachal nhằm tăng cường sự kiểm soát của Ấn Độ tại biên giới tranh chấp này.

Trước đó, vào năm 2017, Ấn Độ đã thông báo xây dựng hai bãi đáp máy bay tiên tiến (ALG) ở Arunachal sau khi Trung Quốc đổi tên một số địa điểm ở đây.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc theo biên giới Arunachal, kết nối thành phố Thành Đô với khu vực Tây Tạng.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng tuyến đường sắt mới này “không chỉ đẩy nhanh và nâng cao sự phát triển kinh tế tổng thể của khu vực Tây Tạng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định biên giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm