Trung-Ấn căng thẳng vì tên lửa đạn đạo

Vừa mới chi ra nửa tỉ USD mua súng cho lực lượng biên phòng giữa lúc căng thẳng biên giới với Trung Quốc (TQ) đang tăng nhiệt trở lại, Ấn Độ lại phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Động thái này một lần nữa khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.

Tầm bắn 5.000 km

Bộ Quốc phòng Ấn Độ sáng 18-1 xác nhận nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có tầm bắn lên đến 5.000 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tờ Times of India cho biết. Vụ phóng thử diễn ra vào sáng 18-1 tại bãi thử tổng hợp (ITR) trên đảo Abdul Kalam, nằm trong vịnh Bengal, ngoài khơi bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.

Với tầm bắn khoảng 5.000 km, Agni-V có thể đặt gần như toàn bộ các mục tiêu chiến lược ở châu Á, cùng một số nằm tại châu Âu và châu Phi vào tầm tấn công hạt nhân. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đánh giá vụ thử tên lửa Agni-V là “bước tiến vượt bậc” về năng lực quốc phòng của nước này, theo đài CNN. “Vụ phóng thử thành công tên lửa Agni-V lần này tái khẳng định năng lực tên lửa nội địa của Ấn Độ và củng cố hơn nữa khả năng răn đe đáng tin cậy” - một quan chức trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Một số nguồn tin tiết lộ loại tên lửa đáng sợ nhất của nước này sẽ được phóng thử thêm lần nữa trong năm 2018, trước khi chính thức được đưa vào biên chế. Khi đó, Ấn Độ sẽ gia nhập nhóm quốc gia “độc quyền” về ICBM (các tên lửa có tầm bắn 5.000-5.500 km) cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh, theo Times of India. Theo ước tính của Hội Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS), Ấn Độ hiện sở hữu 120-130 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình, CNN cho biết.

Ấn Độ phóng thành công tên lửa đạn đạo Agni-V có tầm bắn lên đến 5.000 km. Ảnh: NDTV

Bắc Kinh phản ứng dữ dội

Chính quyền New Delhi tuyên bố mục đích chế tạo, thử nghiệm tên lửa đạn đạo Agni-V là để tăng cường khả năng phòng thủ, củng cố sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của lực lượng vũ trang quốc gia. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa trên của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn có dấu hiệu leo thang trở lại khiến tình hình thêm phức tạp. Gần đây truyền thông Ấn Độ đã đăng tải nhiều thông tin cho rằng TQ đang tăng cường hoạt động quân sự dọc biên giới Ấn Độ, cụ thể là ở phía Bắc cao nguyên Doklam.

Sau khi thông tin Ấn Độ thử thành công tên lửa tiên tiến nhất trong lịch sử nước này được công bố, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của TQ đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích. Bài viết ngày 19-1 của tờ báo này cho rằng: “Vụ thử tên lửa đã là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh TQ, cũng như đặt ra thách thức lớn cho nỗ lực toàn cầu về giải trừ vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, tờ báo còn cổ súy TQ tăng hiện diện ở Thái Bình Dương để đối trọng với đối thủ trong khu vực.

Những ngày gần đây, Bắc Kinh và New Delhi thường xuyên lời qua tiếng lại liên quan tới thông tin TQ điều quân và tiến hành xây khu quân sự rộng lớn sát biên giới Ấn Độ dọc theo cao nguyên Doklam. Tuy nhiên, ngay cả nội bộ Ấn Độ cũng không thống nhất về các thông tin này. Trước đó, hôm 17-1, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat xác nhận binh sĩ TQ vẫn còn hiện diện ở khu vực tranh chấp này và xây dựng cơ sở hạ tầng tạm thời ở đó nhưng Bộ Nội vụ Ấn Độ chỉ một ngày sau lại khẳng định thông tin trên là “không chính xác và có hại”.

Tên lửa Agni-V do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ chế tạo, được phóng đi từ tổ hợp bệ phóng số 4 của ITR. Tên lửa Agni-V dài 17 m, nặng khoảng 50 tấn, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng khoảng 1,5 tấn.

Trước đó, hôm 16-1, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã thông qua hợp đồng mua 72.400 súng trường tấn công và 93.895 súng carbine trị giá 35 tỉ rupee (khoảng 553 triệu USD) để tăng cường an ninh biên giới.

____________________________

Tầm bắn của tên lửa Agni-V đạt từ 5.000 đến 8.000 km với độ chính xác cao hơn nhiều so với ba phiên bản trước đó là Agni-II, Agni-III và Agni-IV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm