Trung Quốc xử “bố già” khét tiếng Tứ Xuyên

Trung Quốc xử “bố già” khét tiếng Tứ Xuyên ảnh 1

Lực lượng an ninh được bố trí dày đặc trước Tòa án trung cấp thành phố Hàm Ninh (tỉnh Hồ Bắc) - Ảnh: Reuters

Thông tin từ Tòa án trung cấp thành phố Hàm Ninh (tỉnh Hồ Bắc) cho biết Lưu Hán - chủ tịch Tập đoàn năng lượng và địa ốc Hán Long - cùng em trai Lưu Duy và 34 đồng phạm bị cáo buộc cố ý giết người, tổ chức, lãnh đạo, tham gia băng nhóm xã hội đen, lừa đảo các khoản vay bao che, dung túng tổ chức xã hội đen, hối lộ và hàng loạt tội danh khác. Trợ lý của luật sư Trương Thanh Tùng - người bào chữa cho Lưu Hán - cho biết phiên tòa bắt đầu từ ngày hôm qua, có thể kéo dài đến hai tuần.

Tân Hoa xã cho biết “đây là băng đảng mafia lớn nhất bị xét xử trong những năm gần đây”. Theo hãng tin này, Lưu Hán và đồng phạm còn có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức chính quyền Tứ Xuyên và những quan chức ở cấp cao hơn.

Theo báo kinh tế Tài Tân, Lưu Hán là một trong những doanh nhân có quan hệ mật thiết với Chu Bân - con trai ông Chu Vĩnh Khang. Giới quan sát đánh giá việc xét xử Lưu Hán và bắt giữ, thẩm vấn hàng trăm người có liên quan đến Chu Vĩnh Khang là nhằm chặt đứt vây cánh của quan chức cấp cao này.

Giành hợp đồng bằng dao và súng

"Lưu Hán đưa tôi đi ăn với phu nhân các quan chức, tặng cho họ đồ trang sức giá từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu NDT. Đôi khi Lưu còn hối lộ cho họ tại các sòng bài "

Bà Dương Tuyết (vợ cũ Lưu Hán, khai khi bị thẩm vấn)

Trước khi bị bắt giữ cách đây một năm, Lưu Hán là một trong những “bố già” khét tiếng nhất tại Tứ Xuyên. Từ những năm 1990, anh em họ Lưu điều hành nhiều ổ cờ bạc, cho vay nặng lãi và lập ra một băng đảng toàn những tay anh chị. Để giành địa bàn làm ăn, tay chân của Lưu thực hiện nhiều vụ mưu sát đối thủ sặc mùi “mafia”.

Để dằn mặt đối thủ trên thương trường, Lưu vẫn ra sức phô trương quyền lực băng đảng. Tân Hoa xã dẫn lời một thuộc hạ thân tín của Lưu cho biết Lưu không sợ bất cứ ai, cho dù đó là cảnh sát hay truyền thông.

Theo nguồn tin này, Lưu từng đề ra luật bất thành văn, ai tranh giành đấu giá với Tập đoàn Hán Long sẽ phải trả giá bằng máu, “giơ bản đấu giá một lần chặt một cánh tay, giơ hai lần lãnh ngay phát đạn”. Nhiều dự án béo bở lọt vào tay Lưu do không có đối thủ cạnh tranh.

Để tạo vỏ bọc cho mình, Lưu Hán còn ra sức đầu tư vào các công trình “trường tiểu học hi vọng” cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Nhờ các hoạt động từ thiện trá hình và chịu chi tiền, Lưu nhận được hàng loạt danh hiệu do nhà nước trao tặng.

Trung Quốc xử “bố già” khét tiếng Tứ Xuyên ảnh 2

Trùm xã hội đen Lưu Hán - Ảnh: Reuters

Tung tiền mua “ô dù”

Theo báo Tài Tân, Lưu rất biết đầu tư tiền của mình. Lưu không tiếc tiền mua lại hai dự án kinh doanh do bà Hoàng Uyển (vợ Chu Bân) đứng tên với giá cao ngất ngưởng để lấy lòng Chu Bân và Chu Vĩnh Khang.

Năm 2004, Lưu chi 20 triệu nhân dân tệ để mua lại một dự án du lịch bỏ phế ở A Bá Châu, tỉnh Tứ Xuyên (Chu Vĩnh Khang từng cấm Chu Bân đứng tên dự án này). Một nhân viên Tập đoàn Hán Long cho biết địa điểm du lịch trên nằm ở một nơi xa xôi hẻo lánh, giá cao nhất cũng chỉ khoảng 5-6 triệu NDT.

Dựa thế Chu Bân, Lưu không ngừng gia tăng ảnh hưởng và tha hồ tung hoành tại Tứ Xuyên. Tài Tân cho biết Lưu Hán từng mạnh miệng tuyên bố trước truyền thông rằng: “Lưu Hán trước nay luôn thắng, Lưu Hán chưa bao giờ thua”.

Trùm Lưu Hán còn thường xuyên qua lại với các quan chức Tứ Xuyên tìm kiếm thêm “ô dù”. Theo lời khai của bà Dương Tuyết, vợ cũ Lưu Hán, ngoài việc mua chuộc và lấy lòng quan chức, Lưu còn ra lệnh cho vợ kết giao với vợ của các quan chức này.

Tân Hoa xã còn cho biết Lưu Hán kiếm được nhiều tiền từ việc nhận hối lộ, giúp người khác mua quan, cung cấp ma túy. Thậm chí Lưu còn can thiệp cả việc bố trí nhân sự tại chính quyền địa phương sao cho có lợi nhất cho mình. Tân Hoa xã cho biết năm 2000, Lưu từng “cách chức” một lãnh đạo huyện do người này làm khó Lưu trong việc tranh giành dự án ở địa phương. Năm 2007, do xích mích với bí thư thị trấn Liên Sơn (thành phố Quảng Hán) về việc vận chuyển quá tải, em trai Lưu Hán là Lưu Duy tuyên bố: “Nếu không cho xe qua, tao nhất định giáng chức nó”. Ba tháng sau, quan chức trên bị điều đi nơi khác. Ảnh hưởng của Lưu Hán lớn đến nỗi các quan chức cấp thấp còn kháo nhau rằng “tìm Lưu Hán còn có ích cho việc thăng quan tiến chức hơn cả tìm lãnh đạo”.

Từng vào danh sách Forbes

Năm 2012, tạp chí Forbes của Mỹ xếp Lưu Hán vào vị trí thứ 148 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản lên đến 855 triệu USD. Dư luận chú ý đến Tập đoàn Hán Long khi công ty này tuyên bố sẽ mua lại Tập đoàn khoáng sản Úc Sundance Resources Ltd. Thương vụ trên thất bại vào đúng thời điểm Lưu Hán bị bắt giữ. Ngoài ra, Hán Long còn giữ phần lớn cổ phần trong mỏ quặng sắt Úc Moli Mines và là cổ đông lớn nhất của Sundance Resources.

Theo Tân Hoa xã, do có “ô dù” trong cơ quan chính pháp Tứ Xuyên, Lưu Hán từng len lỏi để trở thành ủy viên thường vụ Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Tứ Xuyên (Chính hiệp Tứ Xuyên) ba khóa liên tiếp. Em trai Lưu Hán là Lưu Duy còn vinh dự trở thành người rước đuốc trong Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.

 

Theo Đông Phương (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm