Trung Quốc: Vụ án Yến Đại Bân và tội rửa tiền

Ngày 1-8, TAND trung cấp số 2 TP Trùng Khánh đã ra phán quyết sơ thẩm đối với nguyên Cục trưởng Cục Giao thông huyện Vu Sơn (TP Trùng Khánh) Yến Đại Bân và vợ là Phó Thượng Phương.

Yến Đại Bân bị tuyên án tử hình về tội nhận hối lộ, bị tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản. Phó Thượng Phương lãnh án ba năm và bị phạt 0,5 triệu nhân dân tệ (1,25 tỷ đồng VN) về tội rửa tiền. Hai vợ chồng bị cáo có một con gái 13 tuổi nên tòa cho Phương hưởng án treo.

Đựng tiền bằng thùng

Vụ án tham nhũng bị phát giác vào ngày 14-1. Phòng vệ sinh căn hộ ở tầng năm chung cư bán đảo Dung Kiều, khu Nam An bị rỉ nước. Nhân viên bảo vệ vào phòng vệ sinh kiểm tra và nhìn thấy nhiều thùng giấy đựng đầy tiền.

Nhận được điện báo, đội điều tra kinh tế đến kiểm đếm tám thùng giấy đựng tổng cộng 9,39 triệu nhân dân tệ (23,475 tỷ đồng VN). Chủ căn hộ khai nhận căn hộ do chị gái Phó Thượng Phương mua.

Ban đầu vụ án được điều tra theo hướng án kinh tế. Nhưng sau đó, cơ quan điều tra nghi vấn: vụ án có liên quan đến chồng Phó Thượng Phương là Cục trưởng Yến Đại Bân không?

Ngày 16-1, Cục trưởng Cục Giao thông Yến Đại Bân bị bắt trong khi đang họp. Tang chứng là chiếc cặp xách tay với 30.000 nhân dân tệ (75 triệu đồng VN), đôla Mỹ và đồng euro. Trong ngày, Phó Thượng Phương cũng bị bắt.

Huyện Vu Sơn thuộc diện xóa đói giảm nghèo cấp quốc gia. Tổng thu nhập một năm của huyện chỉ hơn 100 triệu nhân dân tệ (250 tỷ đồng VN). Ấy vậy mà chỉ bảy năm giữ chức cục trưởng, Yến Đại Bân nhận hối lộ đến 22,26 triệu nhân dân tệ (55,65 tỷ đồng VN), bằng 1/5 tổng thu nhập cả huyện.

Trong phiên tòa xét xử, Yến Đại Bân thừa nhận giao phần lớn tiền nhận hối lộ cho vợ. Vợ Bân tổ chức phân tán số tiền đó bằng cách mua bảy căn hộ chung cư đứng tên mình, người thân hoặc bạn bè, gửi vào tài khoản ngân hàng với nhiều tên khác nhau và đầu tư vào các hoạt động tài chính.

Vụ án hiếm thấy

Tội rửa tiền được đưa vào Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 2006, gồm bảy loại tội phạm lớn với 86 tội danh. Nhận xét về vụ án Phó Thượng Phương bị buộc tội rửa tiền, giáo sư Khuất Học Vũ (chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu pháp luật hình sự thuộc Sở Nghiên cứu luật học - Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) phát biểu: “Đây là vụ án rửa tiền nhận hối lộ đầu tiên tôi biết đến”.

Tiến sĩ Lưu Triều Dương (trợ lý viện trưởng Viện kiểm sát khu Tây Thành, TP Bắc Kinh) giải thích nguyên nhân: Ở Trung Quốc, hà tất quan tham phải rửa tiền. Các quan tham thích giấu tiền mặt nhận hối lộ bởi giao dịch tiền mặt phổ biến, không bị giám sát, hạn chế.

Theo luật về chống rửa tiền, các cơ cấu tiền tệ ở Trung Quốc phải báo cáo các giao dịch tiền mặt thông qua ngân hàng có giá trị từ 200.000 nhân dân tệ (500 triệu đồng VN) trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị 10.000 USD (169 triệu đồng VN) cho một lần giao dịch hoặc tích lũy nhiều lần trong một ngày.

Nếu vi phạm quy định, người quản lý sẽ bị cách chức và bị cấm làm việc trong các ngành liên quan đến tiền tệ. Tuy nhiên trên thực tế, không ít trường hợp ngân hàng muốn giữ khách hàng nên không báo cáo. Hệ thống đăng ký tài khoản bằng tên thật cũng không được kiểm soát chặt, vì vậy đôi lúc vẫn có tài khoản đăng ký bằng chứng minh thư giả.

Phân tích pháp lý

Giáo sư Khuất Học Vũ nhận định thêm: Tại Trung Quốc, thường trong gia đình hai vợ chồng cùng quản lý tiền bạc. Trong đa số trường hợp, một mình chồng nhận hối lộ, còn rửa tiền thì cả hai vợ chồng cùng làm. Theo luật thì hành vi đó là đồng phạm nhưng do người chồng nhận hối lộ trước nên hành vi rửa tiền không thể bị xử phạt.

Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ, người phạm tội rửa tiền cho các tội phạm thượng lưu không phải là người tiến hành hành vi thuộc tội phạm thượng lưu mà chỉ là người biết rõ nguồn gốc phi pháp của tài sản đó và bao che, che giấu.

Do đó, một khi người chồng đã phạm tội nhận hối lộ thì không thể bị kết tội rửa tiền nhận hối lộ và người vợ cũng khó có thể cấu thành tội danh đồng phạm rửa tiền. Bởi thế, trong trường hợp hai vợ chồng cùng phạm tội, không thể kết tội một người phạm tội này, còn người kia phạm tội khác.

Tuy nhiên, giáo sư Khuất Học Vũ nhận xét: “Vụ án Phó Thượng Phương là một vụ án điển hình hiếm thấy. Chỉ có một mình Phó Thượng Phương bị kết án rửa tiền là vì Yến Đại Bân ở Vu Sơn, còn vợ ở Trùng Khánh, không thường xuyên ở với nhau. Hơn nữa, Yến Đại Bân khai nhận giao tiền phi pháp cho vợ bảo quản và xử lý chứ không phải hai người cùng bảo quản và xử lý”.

Con trai Trần Lương Vũ vào tù

Sáng ngày 4-8, Trần Duy Lực, con trai cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, đã bị Tòa án TP Thiên Tân kết án ba năm tù giam và bốn năm thử thách về tội đã cùng cha sử dụng sai quỹ an sinh xã hội Thượng Hải. Công ty Đầu tư truyền thông Hoa Văn thuê Lực làm giám đốc chi nhánh. Sau đó, công ty này được vay một tỷ nhân dân tệ (2.500 tỷ đồng VN) .

Trần Duy Lực còn bị buộc tội thu lợi phi pháp từ Tập đoàn Thân Hoa Thượng Hải. Tổng Giám đốc Tập đoàn Uất Trí Phi bố trí cho Lực làm phó tổng giám đốc nhưng Lực không phải làm gì mà vẫn hưởng lương cao.

Uất Trí Phi mở công ty kinh doanh tín dụng cho Trần Duy Lực. Đáp lại, Lực phò trợ đắc lực cho Phi trong dự án xây dựng trường đua quốc tế Thượng Hải. Dự án này đắt hơn trường đua đắt nhất thế giới tới 70 triệu USD (1.183 tỷ đồng VN). Uất Trí Phi cũng bị kết án bốn năm tù vì liên quan đến vụ bê bối quỹ an sinh xã hội Thượng Hải.

HỒNG ANH (Theo Nhân dân nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm